Nỗ lực tìm kiếm phương thức điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh này không ngừng lây lan trên thế giới.
Theo báo The New York Times (Mỹ) hôm 17-3, nhiều nhà khoa học hiện tập trung tìm kiếm loại thuốc tấn công virus gây ra Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2). Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm nghiên cứu tìm kiếm hướng tiếp cận khác lạ. Chẳng hạn như các chuyên gia tại Trường ĐH Stanford (Mỹ) vào cuối tuần rồi cho biết đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR để phá hủy gien của virus SARS-CoV-2 trong các tế bào bị nhiễm.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH California, San Francisco (Mỹ) đang thử một hướng tiếp cận khác lạ khi tìm kiếm loại thuốc có thể bảo vệ các protein trong tế bào khỏi virus SARS-CoV-2. Chủng mới của virus corona này đang dựa vào những protein như thế để phát triển và sinh sản.
Nhóm nghiên cứu ban đầu xác định được 50 loại thuốc ứng viên, trong đó nhiều loại đã được phê chuẩn để điều trị những căn bệnh dường như không liên quan gì đến Covid-19, như ung thư. Các nhà khoa học tại Bệnh viện Mount Sinai ở TP New York – Mỹ và Viện Pasteur ở thủ đô Paris – Pháp sau đó sử dụng những loại thuốc nói trên để đối phó với virus SARS-CoV-2 được phát triển trong phòng thí nghiệm.
Bà Lisa Miorin, một chuyên gia về vi sinh học, tham gia cuộc nghiên cứu tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Kết quả công trình nghiên cứu trên dự kiến được công bố vào cuối tuần này. Nếu tìm được loại thuốc nào có tiềm năng điều trị Covid-19, các nhà khoa học dự định tiếp tục thử nghiệm chúng trên một con vật bị nhiễm virus SARS-CoV-2, có lẽ là chồn sương. Đây là loài vật từng bị nhiễm SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng), một căn bệnh có liên hệ gần gũi với Covid-19.
Ngay cả khi xác định được loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả, các nhà khoa học vẫn cần phải bảo đảm chúng an toàn đối với con người khi được sử dụng cho mục đích này, như không dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm. Nếu nỗ lực trên thành công, đó sẽ là một thành tựu khoa học đáng kể, nhất là trong bối cảnh vẫn chưa có thuốc đặc trị được phê chuẩn đối với căn bệnh bùng phát vào cuối tháng 12-2019 và hiện đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Song song với thuốc, cuộc đua bào chế vắc-xin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 cũng đang tăng tốc khi Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng và Trung Quốc theo sát phía sau. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), hãng vắc-xin CanSino Biologics (Trung Quốc) hôm 17-3 cho biết đang tuyển tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng kéo dài 6 tháng đối với loại vắc-xin do họ phát triển cùng Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc. Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi giai đoạn 1 của cuộc thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin của Công ty Moderna Therapeutics (Mỹ) chính thức bắt đầu.
Tại Trung Quốc, vắc-xin của CanSino là 1 trong 9 loại vắc-xin đang được phát triển và dự kiến đi vào thử nghiệm lâm sàng trong tháng 4. Công ty này hôm 18-3 cho biết thêm đã nhận được sự phê chuẩn của nhà chức trách về việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm điểm của dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Theo CanSino, tình nguyện viên là người khỏe mạnh, trong độ tuổi 18-60 và sẽ được tiêm phòng 3 liều lượng khác nhau. Trước đó, vắc-xin đã được thử nghiệm trên động vật và chứng tỏ sự an toàn cũng như có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch đối với virus.
Bất chấp nỗ lực đẩy nhanh thử nghiệm trên người, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết sẽ mất ít nhất 6 tháng nữa mới có được loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 được sử dụng rộng rãi tại nước này. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 17-3 bày tỏ hy vọng loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên sẽ có trong năm nay sau khi nói chuyện với ban lãnh đạo Công ty Công nghệ sinh học CureVac (Đức). Liên minh châu Âu đã đề nghị khoản hỗ trợ tài chính 80 triệu euro cho nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 của công ty này.
Trung Quốc khen thuốc Nhật Bản
Giới chức y tế Trung Quốc hôm 17-3 nhận định loại thuốc Favipiravir được sử dụng điều trị cúm ở Nhật Bản dường như có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Ông Zhang Xinmin, một quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết thuốc Favipiravir – do Công ty Fujifilm Toyama Chemical (Nhật Bản) phát triển – đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 340 bệnh nhân ở Vũ Hán và Thâm Quyến.
Theo đài NHK (Nhật Bản) hôm 18-3, các bệnh nhân mắc Covid-19 được cho dùng thuốc Favipiravir đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nhanh hơn so với những người không được điều trị bằng Favipiravir. Ảnh chụp X-quang cũng cho thấy những cải thiện về tình trạng phổi ở khoảng 91% bệnh nhân được điều trị bằng Favipiravir.
Tại Nhật Bản, các bác sĩ đang sử dụng Favipiravir, còn được gọi là Avigan, trong các nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa phải. Tuy nhiên, một nguồn tin Bộ Y tế Nhật Bản cho hay loại thuốc này tỏ ra kém hiệu quả hơn trên những bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn. Favipiravir sẽ cần sự phê chuẩn của chính phủ Nhật Bản để được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 vì loại thuốc này ban đầu được dùng để điều trị cúm. Một quan chức y tế tiết lộ với báo Mainichi rằng loại thuốc này có thể được phê duyệt sớm nhất là vào tháng 5.
Xuân Mai