R-77 là tên lửa đối không tầm trung hiện đại nhất của Nga, được bắt đầu phát triển vào năm 1982 và bay lần đầu tiên vào năm 1984. Ra mắt công chúng vào năm 1992 tại triển lãm hàng không Matxcơva, tên lửa R-77 ngay lập tức đã bị phóng viên phương Tây gán cho biệt danh AMRAAMski (hàm ý nói R-77 sao chép AIM-120 của Mỹ).
Theo trang Sina, R-77 chính thức gia nhập biên chế quân đội Nga từ năm 1994, được trang bị cho MiG-29M, MiG-31M, Su-27, Su-30, Su-33, Su-35 và thậm chí là MiG-21 với phiên bản nâng cấp với MiG-21-93.
R-77 là đối thủ trực tiếp của tên lửa AIM-120 của NATO. Ảnh: SINA
Chúng là loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm trong không chiến. Ngòi nổ của R-77 là loại ngòi laser cận đích và đầu nổ nối tiếp, đảm bảo cho R-77 có thể tiêu diệt các mục tiêu đa dạng từ tên lửa hành trình, bom thông minh đến máy bay ném bom cỡ lớn. Với ưu điểm về tầm bắn và khả năng cơ động, R-77 được cho là loại vũ khí lợi hại để diệt máy bay đối phương ngoài tầm nhìn.
R-77 có thể sử dụng để đánh chặn các loại tên lửa không-đối-không tầm trung lẫn tầm xa của Mỹ như AIM-120 AMRAAM và AIM-54 Phoenix hoặc các loại tên lửa phòng không như Patriot.
R-77 bắt đầu trang bị cho không quân Liên Xô/Nga với số lượng nhỏ do sản xuất chậm do thiếu ngân sách, việc này chỉ chấm dứt khi hợp đồng chế tạo số lượng lớn được ký vào năm 1993. Ảnh: SINA
Về cơ chế tìm diệt, trong pha đầu sau khi được phóng, R-77 bay theo quán tính với dữ liệu về mục tiêu được cập nhật từ radar của máy bay phóng (như vị trí thay đổi hay G-load của mục tiêu). Đến pha cuối, R-77 sẽ chuyển sang dùng radar chủ động của chính nó.
Trong tương lai, nếu các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria, Su-35 mang theo tên lửa không đối không R-77 sẽ trở thành cơn ác mộng đối với các phi công của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về cuộc tấn công ngày 1-3 của các tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết Ankara bị cáo buộc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm E-737. Dưới sự chỉ dẫn của E-737, máy bay chiến đấu F-16 đã phóng tên lửa không đối không AIM-120C để bắn hạ máy bay ném bom Su-34.
Ngoài ra, máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể không bật radar kiểm soát hỏa lực APG-68. Máy bay cảnh báo sớm E-737 phát hiện và theo dõi Su-24 của Không quân Syria, sau đó những dữ liệu này được chuyển đến máy bay chiến đấu F-16 thông qua liên kết dữ liệu chiến thuật, được gọi là Link-16 (L16).
Trang mạng Sohu đăng bài viết nói về lợi thế của F-16 so với máy bay do Liên Xô/Nga chế tạo, trong đó nhấn mạnh lịch sử chiến tranh thế giới đã ghi nhận F-16 từng bắn hạ 63 máy bay chiến đấu của Liên Xô/Nga mà không hứng chịu bất cứ thiệt hại nào. Như vậy, sau ngày 1-3, con số này đã tăng lên 65.