Bà hiểu rõ Đảng và nhà nước đã quan tâm rất nhiều cho đồng bào dân tộc thiểu số, dù vậy đến nay đời sống của đồng bào Raglai vẫn còn khó khăn, nhiều hộ chưa thoát khỏi đói nghèo; nếu xây dựng được chữ viết người Raglai sẽ góp phần tạo nên cầu nối với thế giới xung quanh, qua đó đồng bào tiếp thu được cái mới, cái tiến bộ và nền văn hóa phi vật thể của người Raglai sẽ không bị mai một.

Với suy nghĩ đó, từ năm 1993, khi còn là giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Sơn, bà bắt tay vào biên soạn tài liệu tiếng Raglai. Đây là công việc khó khăn, bởi phần lớn tiếng nói của người Raglai đã bị pha tạp trong quá trình giao tiếp với các dân tộc anh em. Muốn có được tiếng Raglai đúng bản sắc, bà phải ngày đêm cất công tìm đến các già làng để sưu tầm, ghi chép từ những cổ ngữ đến cách phát âm chuẩn tiếng Raglai và phiên âm bằng ký tự Latin. Qua hơn 10 năm, vừa học vừa sưu tầm, nghiên cứu, bà đã ” ký tự hóa” được hơn 3.000 tiếng nói cổ và hiện đại để sử dụng trong giao tiếp và dịch đọc văn bản giống như một tập tự điển Raglai – Việt.

Nghệ nhân ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh tại Hội nghị tổng kết công tác biên soạn, chương trình tiếng Rgalai dành cho cán bộ, công chức vùng dân tộc, miền núi

Thấy được ý nghĩa của chữ viết Raglai đối với phát triển kinh tế, xã hội miền núi, năm 2004, tỉnh Ninh Thuận mời các chuyên gia của Viện Ngôn ngữ học phối hợp với bà Mẫu Thị Bích Phanh nghiên cứu xây dựng chữ viết Raglai và biên soạn sách học tiếng Raglai tại Ninh Thuận. Viện Ngôn ngữ học Hà Nội đã tham khảo tư liệu của bà khi xây dựng bộ chữ cho người Raglai. Năm 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận chủ trì biên soạn tài liệu “Xây dựng chữ viết Raglai và biên soạn sách học tiếng Raglai tại Ninh Thuận” và bà được mời tham gia.

Chữ viết Raglai ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Ninh Thuận tăng cường hiệu quả công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh chủ trương triển khai dạy tiếng Raglai cho cán bộ, chiến sĩ công tác tại các vùng đồng bào dân tộc. Riêng năm 2019, Ninh Thuận đã mở 4 lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Raglai với 100 học viên là cán bộ, giáo viên công tác ở những vùng có đông đồng bào Raglai sinh sống. Người giảng dạy cho các lớp chính là bà Phanh.

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết sau một thời gian ngắn tham gia học, cán bộ, công chức của huyện đã có thể nghe, nói và hiểu được những câu nói thông dụng hằng ngày của bà con, qua đó tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước đến với đồng bào hiệu quả hơn.

Một lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số Raglai.

Năm nay đã bước qua tuổi thất thập nhưng Nghệ nhân Ưu tú Mẫu Thị Bích Phanh vẫn còn hăng say với công việc sưu tầm và biên soạn tiếng Raglai. Bà tâm sự: “Chừng nào còn sức là tôi còn tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho hoàn chỉnh bộ chữ viết tiếng Raglai”.

Là học sinh miền Nam ra Bắc học tập trong những năm đất nước còn chia cắt, bà vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác dạy về lòng yêu quê hương, dân tộc và tinh thần vượt khó học giỏi. Nhớ về Người, bà phấn đấu học tập để trở thành người thầy thuốc, trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, rồi trở thành đại biểu Quốc hội khóa VIII, phó chủ tịch UBND huyện Bác Ái…

Ai gặp bà một lần sẽ khó quên người phụ nữ Raglai có dáng người nhỏ bé nhưng rất năng động, vui vẻ và bình dị.


Bài và ảnh: Như Thừa

Chia sẻ