Kênh RT dẫn lời ông Nikolay Kobrinets, lãnh đạo Vụ Hợp tác châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, ngày 12-3 nhấn mạnh: “Nga vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy và là bên đảm bảo an ninh năng lượng tầm cỡ quốc tế. Chúng tôi đánh giá cao danh tiếng này nhưng cũng sẵn sàng cho cuộc đối đầu khắc nghiệt trong lĩnh vực an ninh năng lượng nếu cần thiết”.

Theo ông Kobrinets, EU chắc chắn không hưởng lợi từ cuộc đối đầu vì “Nga có biên độ an toàn lớn hơn và tinh thần vững vàng hơn”.

Quan chức Nga đưa ra nhận định trên sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi đầu tuần phàn nàn EU “quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đặc biệt là khí đốt”.

Bà Ursula von der Leyen tuyên bố vào giữa tháng 5 sẽ trình bày kế hoạch cho phép khối này ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, thông qua tối ưu hóa và giảm phụ thuộc carbon trong thị trường năng lượng.

Trạm tiếp nhận khí đốt của Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga ở Đức. Ảnh: Sputnik

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ra tuyên bố trên trong bối cảnh Nga bị phương Tây gây sức ép bằng các lệnh cấm vận sau khi họ mở chiến dịch quân sự đặc biệt để phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Moscow cho rằng phải ngăn chặn “tội ác diệt chủng” do Ukraine tiến hành nhằm vào dân thường ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.

Quan chức Bộ Ngoại giao Nga dẫn dữ liệu của Ủy ban châu Âu cho thấy EU nhận khoảng 45% khí đốt, 25% dầu và 45% than từ Nga, nên “Brussels cần nhận ra điểm yếu của mình”.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tuyên bố gần đây của EU, ông Kobrinets cho rằng châu Âu đang tìm cách đạt được trạng thái độc lập về năng lượng với Nga “bằng mọi giá”. Thế nhưng, ông Kobrinets lưu ý “cái giá đó sẽ không phải do giới tinh hoa EU trả, mà lấy từ tiền thuế của người dân châu Âu”.

Ông Kobrinets nghĩ rằng kế hoạch từ bỏ năng lượng Nga của EU không hợp lý xét trên khía cạnh kinh tế. Ông Kobrinets nói: “Thị trường năng lượng quốc tế hỗn loạn. Chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào nhưng rõ ràng EU sẽ phải trả ít nhất gấp ba cho khí đốt, dầu và điện. Đó là lựa chọn của họ”.

Liên quan đến nỗ lực chấm dứt giao tranh ở Ukraine, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroede đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vài giờ vào tối 10-3. Theo tờ Bild am Sonntag (Đức), không rõ kết quả đạt được là gì.

Cũng theo tờ Bild am Sonntag, cựu Thủ tướng Đức đã trao đổi với một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Putin. Ông Schroede rời Moscow vào sáng sớm 12-3 và bay đến Istanbul, không thông tin chi tiết nào về các cuộc trao đổi được tiết lộ.

Nguồn tin của tờ Bild am Sonntag cho biết ông Schroeder hiện là người duy nhất liên hệ trực tiếp với cả ông Putin và các quan chức hàng đầu của Ukraine.


Huệ Bình