Việc trục vớt do Lực lượng Đặc nhiệm 75 của Hạm đội 7 đóng vai trò chủ công, đã đưa chiếc máy bay thuộc loại tân tiến nhất nước Mỹ lên khỏi mặt nước từ độ sâu 3.770 m, bằng cách sử dụng phương tiện được vận hành từ xa và có gắn dây nâng từ một cần trục của tàu lặn thương mại Picasso.

Thông báo được đưa ra hôm 3-3, sau nhiều tuần giữ bí mật và suy đoán kể từ lúc chiếc máy bay tàng hình F-35C Lightning II gặp nạn vào ngày 24-1, theo Military.

Máy bay tàng hình F-35C Lightning thực hiện hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hai tuần trước, Hải quân Mỹ đã tổ chức một cuộc họp ngắn về khả năng lặn và trục vớt chiếc F-35C Lightning II nhưng mọi thông tin liên quan đều được giữ kín.

Kể cả khi đã trục vớt thành công, họ cũng chỉ nói máy bay gặp nạn ở một khu vực thuộc biển Đông mà không cung cấp vị trí chính xác. Tuy nhiên, nhiều khả năng chiếc máy bay chiến đấu siêu hiện đại của Mỹ chìm ở khu vực thuộc vùng biển Philippines.

“Việc trục vớt F-35C Lightning II đã thành công sau 37 ngày gặp nạn, chúng tôi sẽ đưa nó đến một cơ sở quân sự gần đó để hỗ trợ cho cuộc điều tra và đánh giá khả năng vận chuyển về Mỹ” – Hải quân Mỹ cho hay – “Nỗ lực trục vớt thể hiện cam kết của Hải quân Mỹ đối với những khí tài của mình cũng như đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở”.

Được biết, chiếc chiến đấu cơ của Mỹ gặp nạn khi đáp xuống tàu sân bay USS Carl Vinson. Vụ tai nạn làm 3 thủy thủ bị thương, song viên phi công đã thoát ra ngoài an toàn và được trực thăng giải cứu.

Liên quan đến vụ việc, Hải quân Mỹ đã buộc tội 5 thuỷ thủ Mỹ vì làm rò rỉ đoạn video quay lại cảnh chiếc tiêm kích F-35C gặp nạn khi cố gắng hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson.

Nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc F-35C Lightning II hiện vẫn đang được giới chức Mỹ tiến hành điều tra làm rõ.


Bằng Hưng