Dự luật 2.700 trang được thông qua với tỉ lệ 63 phiếu thuận và 31 phiếu chống, đang chờ Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Đáng chú ý, kế hoạch chi tiêu đến hết tháng 9-2022 của Mỹ, được lưỡng viện thông qua chỉ một ngày trước khi các biện pháp chi tiêu tạm thời hết hiệu lực vào đêm 11-3 (giờ Mỹ). Khi đó, có thể đẩy nước Mỹ vào tình cảnh buộc phải đóng cửa chính phủ một phần.

“Trong gói ngân sách 1.500 tỉ USD chờ Tổng thống Joe Biden ký ban hành, dành 13,6 tỉ USD viện trợ cho Ukraine” – hãng thông tấn Reuters đưa tin.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi giữ lời hứa sẽ hỗ trợ Ukraine trong đối phó với cuộc xung đột hiện nay, cũng như nhằm hỗ trợ về nhân đạo”.

Đài ABC News cho biết khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine sẽ được chia thành tài trợ quốc phòng và tài trợ phi chính phủ.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cam kết hỗ trợ cho Ukraine số tiền lên tới 13,6 tỉ USD. Ảnh: Reuters.

Dự luật được thông qua cũng dành 782 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng của Mỹ, cao hơn mức 715 USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất và tăng 5,6% so với năm 2021.

Ngoài ra, các nghị sĩ nhất trí chi 730 tỉ USD cho các hoạt động không liên quan đến phòng thủ, tăng 6,7% so với năm 2021, cũng là mức tăng lớn nhất trong 4 năm.

Trước khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền Biden gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Tuy nhiên, chính quyền Biden lập luận rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu, sẽ khiến xung đột leo thang một cách nguy hiểm, làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga.

Hạ viện Mỹ trước đó cũng đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga và kêu gọi xem xét lại tư cách thành viên của Moscow, kể cả ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).


Bằng Hưng