Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trong tháng này đã khiến chính quyền Trung Quốc tăng cường kiểm soát phòng dịch trên cả nước, bao gồm các trung tâm sản xuất chính Thâm Quyến và Đông Hoản, làm tê liệt nhiều nhà máy sản xuất hàng hóa.

Theo các chủ tàu, nhà phân tích và cơ quan quản lý chuỗi cung ứng, trong khi các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa và tàu hàng tiếp tục cập cảng, tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng và một số tàu chở hàng đang thay đổi hành trình để tránh sự trì hoãn.

Các chuyên gia nhận định giá thuê tàu dự kiến tăng lên trong khi thời gian ngưng trệ đối với hàng hóa vận chuyển sẽ kéo dài hơn.

Ông Jasmine Wall, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Công ty Vận chuyển hàng hóa SEKO Logistics, cho biết lượng hàng container đang giảm ồ ạt tại cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, cảng container lớn thứ 4 thế giới, do tài xế xe tải và nhân viên vận hành kho bãi ở nhà theo quy định phòng dịch của chính quyền.

 Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Công ty Tư vấn vận tải Vespucci Maritime (Đan Mạch), lập luận: “Điều đó cho thấy hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các cảng sẽ trở nên khó khăn và việc các cảng có mở cửa hay không sẽ trở thành đề tài gây tranh cãi. Nó sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, từ đó kéo dài cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra hiện nay”.

Tàu chở hàng gần cảng Diêm Điền ở TP Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Ông Niels Rasmussen, Giám đốc phân tích vận chuyển tại Hiệp hội Vận tải biển quốc tế BIMCO, cho biết: “Chính sách không khoan nhượng với dịch Covid-19 của chính quyền Trung Quốc dường như cho thấy khả năng xảy ra nhiều vụ phong tỏa hơn nữa. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc sẽ làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giảm lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp, điều này có thể khiến giá hàng hóa tăng thêm”.

Tại Indonesia, giới chức trách đang khẩn trương tìm giải pháp nhằm kiểm soát đà tăng vọt của giá dầu ăn sau khi các biện pháp ban đầu không khắc phục được.

 Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati hôm 16-3 cho biết chính phủ nước này sẽ sử dụng ngân sách bảo trợ xã hội trị giá 154.000 tỉ rupiah (khoảng 10,7 tỉ USD) để bảo vệ những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và người tiêu dùng trước nguy cơ giá thực phẩm leo thang. Chính phủ Indonesia cho biết sẽ trợ cấp dầu ăn bằng nguồn thu từ thuế xuất khẩu dầu cọ.

Bà Sri Mulyani cũng cho hay giá lúa mì đang tăng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joko Widodo cũng đã ra lệnh duy trì giá nhiên liệu ổn định để kiểm soát lạm phát.

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 16-3 cho hay hơn 11 triệu người đã mắc Covid-19 trên toàn thế giới trong tuần qua, trong đó hơn 43.000 bệnh nhân đã tử vong. Số ca mắc mới tăng 8% trong khi số ca tử vong giảm 17% so với giai đoạn 7 ngày trước đó. Tính đến ngày 16-3, thế giới ghi nhận hơn 462 triệu ca mắc và hơn 6 triệu ca tử vong do Covid-19. 


Xuân Mai