Ông Barkindo cho rằng khoảng 7 triệu thùng dầu thô của Nga đang rời khỏi thị trường thế giới mỗi ngày do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến xung đột Nga – Ukraine.

Theo đài RT, quan chức này nhận định những biến động hiện nay trên thị trường dầu mỏ nằm ngoài sự kiểm soát của OPEC và EU có trách nhiệm thúc đẩy cách tiếp cận thực tế về việc chuyển đổi năng lượng.

Không giống Mỹ và Anh, EU nhập khẩu phần lớn nguồn cung năng lượng từ Nga. Do đó, các chuyên gia cảnh báo việc EU tìm cách cắt nguồn cung này có thể dẫn đến kết quả thảm khốc.

Cùng ngày, Ban Thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo cuộc xung đột Nga – Ukraine đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, từ đó hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2022 xuống còn 2,4%-3% (so với mức 4,7% đưa ra vào tháng 10-2021). Theo WTO, cuộc khủng hoảng khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm còn 3,1%-3,7% trong năm 2022.

Một người bán bánh mì tại thủ đô Sanaa – Yemen hôm 1-4 Ảnh: Reuters

WTO nhận định cuộc xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng xuất khẩu hàng hóa của hai nước này.

 Là điểm đến chính của hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine, châu Âu khó tránh những tác động tiêu cực về kinh tế. Tuy nhiên, theo Tân Hoa xã, châu Phi và Trung Đông mới là các khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và/hoặc Nga.

Đáng chú ý, WTO cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay đe dọa làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực quốc tế vào thời điểm giá lương thực đã ở mức cao do tác động của đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác.

Chia sẻ nỗi lo này, Tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) cảnh báo giá thực phẩm tăng do khủng hoảng ở Ukraine và giá năng lượng leo thang có thể đẩy hơn 250 triệu người trên thế giới vào cảnh nghèo cùng cực. Trong báo cáo công bố ngày 12-4, Oxfam thúc giục cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp, trong đó có việc xóa nợ cho các nước nghèo. 


Xuân Mai