Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) năm 2023 diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4-6, thu hút các quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao, nhà ngoại giao, nhà phân tích an ninh…đến từ khắp thế giới.
Theo Reuters, hơn 600 đại biểu đến từ 49 nước tham gia hội nghị, dự kiến tập trung thảo luận những vấn đề nóng như căng thẳng Mỹ – Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine, chương trình vũ khí của CHDCND Triều Tiên, tình hình biển Đông và biển Hoa Đông…
Đáng chú ý, Nga và Triều Tiên không cử phái đoàn đến Đối thoại Shangri-La năm nay. Ngoài ra, cuộc gặp bên lề được kỳ vọng giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng không diễn ra.
Trước thềm hội nghị, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin khi hai người tham gia Đối thoại Shangri-La 2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (trái) và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen tại cuộc gặp ở Singapore ngày 1-6 Ảnh: REUTERS
Phát biểu khi đang thăm Nhật Bản hôm 1-6, ông Austin cho biết việc cuộc gặp này không diễn ra là “đáng tiếc”, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là các nước có tiềm lực lớn có thể trò chuyện với nhau nhằm “ngăn mọi việc vượt tầm kiểm soát”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vấn đề đối thoại quân sự giữa hai nước gặp khó khăn. Theo người này, Mỹ đã phớt lờ những quan ngại của Trung Quốc và có những hành động làm tổn hại nghiêm trọng niềm tin giữa quân đội hai nước.
Quan hệ Mỹ – Trung Quốc được kỳ vọng cải thiện trong năm nay theo sau cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali – Indonesia hồi tháng 11-2022. Tuy nhiên, tranh cãi leo thang trở lại kể từ vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu “do thám” Trung Quốc vào tháng 2-2023. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó đã hủy chuyến thăm Trung Quốc.
Ngoài ra, hai bên còn bất đồng về nghi vấn Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Moscow. Theo tờ South China Morning Post, Đối thoại Shangri-La lần này mang đến cơ hội để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thúc đẩy tan băng quan hệ song phương. Dù vậy, cơ hội này có nguy cơ bị bỏ lỡ khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về hầu hết vấn đề đang gây bất đồng.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, cảnh báo tiếp xúc quân sự sụt giảm giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa làm tăng nguy cơ xảy ra hiểu lầm hoặc sự cố và điều này không phục vụ lợi ích của cả hai nước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nhận định ngay cả khi cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc không diễn ra, vẫn có cơ hội để giới chức hai nước tiếp xúc hoặc trao đổi không chính thức tại hội nghị và diễn biến như thế có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra xung đột.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Austin dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày 3-6. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Lý sẽ phát biểu tại phiên họp toàn thể về các sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc.
Ngoài ra, hội nghị còn có một số phiên họp toàn thể khác với các chủ đề xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cân bằng và ổn định, giải quyết những căng thẳng trong khu vực, quan hệ đối tác mới cho an ninh châu Á – Thái Bình Dương…
Tập trận chung diễn ra dồn dập
Cuộc tập trận hàng hải chung của Mỹ, Nhật Bản và Philippines diễn ra ở khu vực ngoài khơi tỉnh Bataan – Philippines từ ngày 1 đến 7-6. Ông Armand Balilo, phát ngôn viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cho biết cuộc tập trận 3 bên là sáng kiến của Mỹ và Nhật Bản, trong khi Úc sẽ tham gia với tư cách quan sát viên.
Cũng theo ông Balilo, 4 tàu của Philippines, 1 tàu của Mỹ và 1 tàu của Nhật Bản tham gia tập trận nhằm cải thiện hợp tác tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật. Nội dung tập trận cũng bao gồm các hoạt động mô phỏng chống cướp biển và ngăn chặn tàu mang vũ khí hủy diệt. “Đây là một hoạt động thường lệ giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển” – ông Balilo khẳng định.
Theo đài Al Jazeera, Nhật Bản và Mỹ hồi tháng 2 đã tiếp cận và thảo luận với Philippines về chuyện tập trận hàng hải chung. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản và Úc tìm cách tăng cường quan hệ với với Philippines kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống vào năm ngoái. Riêng Washington đang tăng cường ngoại giao quân sự trong khu vực, cũng như tập trận thường xuyên hơn với các đồng minh và đối tác.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường tham gia tập trận hải quân song phương và đa phương tại khu vực. Mới nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 31-5 thông báo sẽ gửi tàu chiến đến tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK), diễn ra tại Indonesia từ ngày 4 đến 8-6. Đáng chú ý, Mỹ cũng có tên trong danh sách 47 nước được mời tham gia MNEK năm nay.
Anh Thư