Giới chức Mỹ đang chờ xem các dấu hiệu giảm leo thang rõ ràng hơn trước khi đưa ra đánh giá về ý định của Moscow. Ông Biden hôm 29-3 nói tại Nhà Trắng: “Chúng ta sẽ chờ xem. Tôi không đọc bất cứ thông tin gì cho đến khi tôi thấy hành động của họ. Chúng tôi sẽ xem liệu Nga có làm theo những gì họ đề xuất hay không”.
Phản ứng không tin tưởng mà cần xác minh của ông Biden phản ánh sự hoài nghi sâu sắc của Mỹ đối với động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn một tháng ở Ukraine. Trong khi Mỹ quan sát thấy các lực lượng Nga di chuyển khỏi Kiev nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi chiến dịch quân sự sẽ sớm kết thúc.
Theo đài CNN, một số quan chức phương Tây xem các động thái của Nga chỉ là một cuộc diễn tập chiến thuật trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở Ukraine đang bị đình trệ. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng Nga có thể đảo ngược tình hình nếu điều kiện cho phép.
Tương tự, các quan chức Mỹ tỏ ra cảnh giác khi bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán diễn ra giữa Nga và Ukraine, vốn được hai nước cho rằng đã đạt được tiến bộ. Thay vào đó, ông Biden tập trung vào việc đảm bảo các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt mà ông đã ban hành lên Nga cùng với các đồng minh châu Âu vẫn được duy trì khi chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn ở Ukraine.
Tổng thống Joe Biden phát biểu hôm 29-3. Ảnh: AP
Ông Biden cho biết ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu trong một cuộc điện đàm kéo dài 53 phút trước khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine diễn ra cùng ngày. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng các nhà lãnh đạo đã có sự đồng thuận và sẽ chờ xem động thái từ Nga. Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho quân đội Ukraine khả năng tự vệ và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những gì đang xảy ra”.
Trong diễn biến căng thẳng về quan hệ Nga-phương Tây, một số quốc gia châu Âu đã thông báo trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga bị nghi hoạt động gián điệp. Hà Lan cho biết họ trục xuất 17 người Nga mà họ cho là nhân viên tình báo giả làm nhà ngoại giao. Trong khi đó, Bỉ cho hay sẽ trục xuất 21 nhà ngoại giao khỏi Đại sứ quán Nga.
Ireland đã yêu cầu 4 quan chức cấp cao của Nga rời khỏi nước này vì các hoạt động bị xem là “không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi ngoại giao”. Cộng hòa Czech đã cho một nhà ngoại giao Nga 72 giờ để rời khỏi nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết ông đã chuẩn bị cho một đòn trả đũa từ phía Moscow. Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã quyết định trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của 3 nước vùng Baltic gồm Litva, Latvia, Estonia nhằm đáp trả động thái tương tự trước đó của những nước này.