Mặc dù vẫn còn sớm để kết luận, song biến thể Omicron dường như không nguy hiểm như các quan chức y tế ban đầu lo ngại. TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, chia sẻ trên Đài CNN hôm 8-12 rằng các ý kiến gần đây nói biến thể Omicron giảm mức độ nghiêm trọng là tín hiệu đáng khích lệ.

TS David Dowdy, nhà dịch tễ học của Trường Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ), cũng nhận định mang hơi hướng tích cực: “Với các báo cáo thực tế từ “tâm chấn” Tshwane ở Nam Phi, tôi nghĩ rằng các dấu hiệu thực sự rất lạc quan”.

Tuy nhiên, TS Maria van Kerkhove, chuyên gia về dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới, nhấn mạnh điều đáng lo ngại là mắc Covid-19 ngay cả khi có triệu chứng nhẹ cũng có thể gây tử vong cho những người dễ bị tổn thương, như người lớn tuổi.

Về lý do lạc quan tiếp theo, giá khí đốt ổn định và hiện giảm xuống có thể là bằng chứng cho thấy lạm phát thực sự có thể chỉ là tạm thời, như nhiều nhà kinh tế đã dự đoán. Giá xăng trung bình ở Mỹ chạm mức thấp nhất trong 7 tuần là 3,35 USD/gallon vào ngày 7-12. Mặc dù cao hơn năm ngoái nhưng giá hiện tại đã phần nào hạ nhiệt. Giá khí đốt tự nhiên cũng giảm.

Một hội chợ việc làm ở TP Pittsburgh, bang Pennsylvania – Mỹ Ảnh: AP

Cú sốc tăng giá năng lượng khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 31 năm. Theo cuộc thăm dò mới nhất từ Trường Đại học Monmouth (Mỹ), cứ 10 người ở Mỹ thì có khoảng 3 người nói rằng lo ngại về chi tiêu là vấn đề hàng đầu mà gia đình họ phải đối mặt lúc này.

Nhà phân tích Matt Egan của Đài CNN bình luận: “Giá năng lượng hạ nhiệt, nếu trong một thời gian dài, có thể làm giảm áp lực lạm phát đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ và khơi dậy niềm tin của người tiêu dùng”. Chỉ số Back-to-Normal (tạm dịch: trở lại bình thường) của CNN cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đi được 90% chặng đường phục hồi trở lại như trước khi đại dịch bắt đầu.

Lý do lạc quan nữa là các khúc mắc trong chuỗi cung ứng, vốn đã làm suy yếu sự phục hồi kinh tế sau dịch, đang bắt đầu giảm bớt. Mặc dù điều này có thể không rõ ràng với những người mua sắm trong kỳ nghỉ lễ, những người không thể tìm thấy đồ điện tử họ muốn hoặc có ít lựa chọn hơn khi mua đồ uống… nhưng có một số dấu hiệu, ít nhất là đối với các ngân hàng và những nhà phân tích trong ngành, cho thấy các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu đang được khắc phục.

Một báo cáo của chính phủ Mỹ về việc làm và luân chuyển lao động mới đây cho thấy 4,2 triệu người Mỹ nghỉ việc trong tháng 10, giảm so với mức cao kỷ lục 4,4 triệu vào tháng 9. Thế nhưng, chuyên gia kinh tế Joe Brusuelas tại Công ty Kế toán và Tư vấn RSM US (Mỹ) nhận định diễn biến này có thể cho thấy dấu hiệu của “thời kỳ hoàng kim” với người lao động Mỹ.

Ông Brusuelas nói: “Người lao động Mỹ giờ đây tự tin rằng họ có khả năng thương lượng và có thể có được mức lương hợp lý và điều kiện làm việc tốt hơn”. Khả năng thương lượng đó đến từ việc họ sẵn sàng bỏ công việc không thích và tìm kiếm công việc mới. Sự thay đổi này không chỉ tập trung vào kinh tế đơn thuần mà là sự đánh giá lại rộng hơn về chất lượng và mục đích sống.


Huệ Bình

Chia sẻ