Đây là nhận định của ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế về Việt Nam và Thái Lan tại Ngân hàng Standard Chartered (SCB), trong buổi tọa đàm về “Cập nhật triển vọng kinh tế, tài chính thế giới năm 2023 và tác động đối với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và SCB phối hợp tổ chức chiều 28-2 ở Hà Nội.

Theo ông Leelahaphan, chủ đề của kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ là tái xây dựng niềm tin.

Trong năm 2022, phát hành trái phiếu đã giảm. Quý IV/2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6%, thấp hơn mức tăng 8% của cả năm 2022, xuất khẩu cũng giảm. Tuy nhiên, chuyên gia của SCB đánh giá tiêu dùng trong nước vẫn tăng trưởng, có thể là điểm sáng của kinh tế năm nay.

Các chuyên gia kinh tế trao đổi tại toạ đàm

Năm 2023, kỳ vọng nửa đầu năm GDP sẽ tăng 4%, còn nửa cuối năm tình hình có thể được cải thiện khi kinh tế thế giới có khả năng phục hồi, dưới tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Thương mại cuối năm 2023 có thể tốt hơn, tăng trưởng trong nước có thể đạt 9%- 9,5%, đưa mức tăng GDP cả năm có thể đạt 7,2%.

Chuyên gia Leelahaphan cũng cảnh báo lạm phát có thể tiếp tục tăng 4,5%-5% nửa đầu năm nay do tiêu dùng trong nước tăng, đạt mức 5,5% vào giữa năm và cuối năm có thể cao hơn, từ 5,5% đến 6%. Cả năm dự báo lạm phát là 5,5%. Lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát, lạm phát lõi gia tăng. SCB dự báo lãi suất điều hành năm 2023 ở mức 7%.

Ông Tim Leelahaphan nhấn mạnh năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục cải thiện song đà phục hồi có thể đối mặt với khó khăn từ tình hình thế giới.

Ông kỳ vọng năm nay các hoạt động dịch vụ như du lịch sẽ khởi sắc nhưng cũng dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ có nguy cơ chậm lại do nhu cầu bên ngoài giảm. Lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, cả trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, cũng có sức ép nhất định về nguồn vốn đầu vào.


Dương Ngọc