Quyết định được thực hiện từ hôm nay (31-3) trong bối cảnh quốc gia Nam Á này lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948. Thiếu tiền mặt và ngoại tệ khiến Sri Lanka không thể nhập khẩu ngay cả những mặt hàng thiết yếu. Các nhà máy điện không còn dầu để chạy.

Nhiều ngày qua, Sri Lanka phải cắt điện 10 giờ mỗi ngày và nay phải kéo dài thêm 3 giờ nữa trên toàn quốc.

Giới chức cho biết hơn 40% lượng điện của Sri Lanka được tạo ra từ thủy điện nhưng hầu hết các hồ chứa đang ở mức rất thấp vì không có mưa.

Nhiều cơ sở y tế, bao gồm Bệnh viện Quốc gia Sri Lanka, đã thông báo đình chỉ các ca phẫu thuật thông thường do không còn thuốc gây mê và hóa chất để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Quyết định này cũng nhằm dành nguồn lực cứu chữa cho các bệnh nhân nguy kịch.

Cơ quan quản lý điện của quốc gia 22 triệu dân này đã kêu gọi hơn 1 triệu nhân viên chính phủ làm việc tại nhà để tiết kiệm nhiên liệu.

Một phụ nữ làm việc trong điều kiện bị cắt điện ở TP Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi đã đề xuất chính phủ cho phép khu vực công, với khoảng 1,3 triệu nhân viên, làm việc tại nhà trong 2 ngày tới” – ông Janaka Ratnayake, Chủ tịch Ủy ban Tiện ích công cộng Sri Lanka, nói với hãng tin Reuters.

Dự trữ ngoại hối giảm 70% trong 2 năm qua và xuống mức thấp 2,31 tỉ USD vào tháng 2-2022 khiến Sri Lanka gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm và nhiên liệu.

“Việc cắt điện kéo dài do chính phủ không có khả năng thanh toán số tiền 52 triệu USD cho lô hàng dầu diesel 37.000 tấn đang chờ hạ tải. Chúng tôi không có tiền để trả và đó là sự thật” – ông Ratnayake nói và cảnh báo tình trạng cắt điện sẽ còn kéo dài hơn nữa.

Nhà bán lẻ nhiên liệu chính của Sri Lanka cũng cho biết không còn dầu diesel, loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến nhất cho các phương tiện giao thông công cộng ở nước này trong ít nhất 2 ngày tới. Giá nhiên liệu tại Sri Lanka đã liên tục tăng trong thời gian qua với xăng tăng gần gấp đôi, trong khi dầu diesel tăng 76% kể từ đầu năm.

Từ tháng 3-2020, giới chức Sri Lanka yêu cầu hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng để tiết kiệm ngoại tệ nhằm có tiền chi trả các khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu trên diện rộng và giá cả tăng chóng mặt.

Chính phủ Sri Lanka cho biết đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi đề nghị Ấn Độ và Trung Quốc cho vay thêm.

Tình trạng khó khăn hiện tại của Sri Lanka càng trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều nhà kinh tế cũng đổ lỗi cho sự quản lý kém cỏi của chính phủ sau nhiều năm cắt giảm thuế và thâm hụt ngân sách.

Văn phòng thống kê Sri Lanka hôm 30-3 công bố tăng trưởng kinh tế (GDP) nước này đạt 3,7% trong năm 2021, trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu bùng phát. GDP của họ giảm kỷ lục tới 3,6% năm 2020.


Bằng Hưng