Theo Quốc vương Billah Shah, chiến lược quốc phòng của Malaysia cần tính đến tầm quan trọng của ngoại giao quốc phòng, một chính sách đối ngoại thực dụng, các hiệp ước quốc tế và vị thế địa chính trị quốc tế của họ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Sự gia tăng hoạt động của các cường quốc ở biển Đông dạo gần đây cũng cần được chú ý. Vì thế, Malaysia cần phải luôn nhạy cảm trong lĩnh vực hàng hải trong khi xây dựng chiến lược hỗ trợ những khát vọng địa chính trị của chúng ta” – Quốc vương Billah Shah nói thêm.

Trước đó, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh dừng “chiến lược bắt nạt” trên biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện trên các vùng biển tranh chấp giữa lúc các chính phủ đang tập trung đối phó đại dịch Covid-19, do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah. Ảnh: Reuters

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các nước giữ bình tĩnh trên biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi xuất hiện thông tin tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc “theo đuôi” tàu thăm dò dầu khí The West Capella – đang ký hợp đồng với Công ty Petronas (Malaysia), trên biển Đông.

Malaysia không phải là quốc gia duy nhất thể hiện sự lo ngại đối với tình hình biển Đông. Vào ngày 6-5, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nói rằng các sự kiện gần đây trên biển Đông có thể khiến căng thẳng leo thang trong lúc thế giới cần đoàn kết để chống lại Covid-19. 

Bà Marsudi cũng hối thúc mọi bên tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: Reuters


Cao Lực (Theo Channel News Asia)

Chia sẻ