Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi hôm 4-6 cho biết sản lượng dầu nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7.

 Trước đó cùng ngày, sau 7 giờ đàm phán ở thủ đô Vienna – Áo, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định gia hạn mức giảm sản lượng thêm 1,4 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2024.

Giá dầu đã tăng trong phiên giao dịch hôm 5-6 sau quyết định của Ả Rập Saudi.

Việc Ả Rập Saudi giảm nguồn cung dầu được xem là bước đi đơn phương nhằm hỗ trợ giá dầu thô sụt giảm, sau 2 lần cắt giảm trước đó của các nước sản xuất lớn trong OPEC+ nhưng không đẩy được giá dầu lên.

Nước đi táo bạo của quốc gia dẫn đầu OPEC này được đánh đổi bằng những nhượng bộ cho 2 thành viên quan trọng khác là Nga và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Theo đó, Nga không cam kết cắt giảm sản lượng trong thời gian tới trong khi UAE bảo đảm hạn ngạch khai thác dầu mỏ lớn hơn trong năm 2024.

Một nhân viên làm việc tại trạm bơm dầu ở ngoại ô TP Almetyevsk – Nga hôm 4-6. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman Al-Saud khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết để bình ổn thị trường năng lượng trong bối cảnh giá dầu chịu áp lực lớn từ dự báo kinh tế suy giảm tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo Bloomberg, các thành viên còn lại trong OPEC+ không có bất kỳ hành động nào để thúc đẩy giá dầu dù cam kết duy trì sản lượng hiện tại cho tới cuối năm 2024. Trước đó, vào tháng 10-2022, OPEC+ thông báo cắt giảm 2 triệu thùng/ngày, khiến Mỹ phản ứng. Như vậy, OPEC+ đã cam kết giảm 4,6 triệu thùng/ngày, tương đương 4,5% nhu cầu toàn cầu.

Ông Bob McNally, Chủ tịch Công ty phân tích Rapidan Energy (Mỹ), nhận định với đài CNBC: “Chúng tôi nhận thấy mức thâm hụt lớn trên toàn cầu sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2023 và giá dầu thô sẽ vượt trên 100 USD/thùng vào năm tới”.

  • Giá dầu thế giới dự kiến tăng mạnh nửa cuối năm 2023

Ngân hàng Commonwealth của Úc cũng nhận định Ả Rập Saudi sẽ tăng cường cắt giảm sản lượng trong tháng 7 nếu giá dầu Brent duy trì trong khoảng 70-75 USD/thùng hoặc thấp hơn mức này.

Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao về nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cho rằng đợt cắt giảm mới có thể đẩy giá dầu lên cao trong ngắn hạn nhưng tác động sau đó sẽ phụ thuộc vào việc Ả Rập Saudi có kéo dài việc cắt giảm hay không.

Ả Rập Saudi cần duy trì doanh thu cao từ dầu mỏ để tài trợ cho những dự án tham vọng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính nước này muốn giá dầu đạt mức 80,9 USD/thùng để đáp ứng các kế hoạch chi tiêu, bao gồm dự án thành phố sa mạc “Neom” với vốn đầu tư 500 tỉ USD.

Tuy nhiên, giá dầu tăng quá cao có thể thúc đẩy lạm phát, làm giảm sức mua và buộc các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất, từ đó làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

 Trước động thái của OPEC, Mỹ gần đây đã bổ sung vào Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố đợt xả kho cao kỷ lục trong lịch sử Mỹ vào năm ngoái nhằm hỗ trợ giá dầu. Dấu hiệu này cho thấy các quan chức Mỹ có thể bớt lo lắng hơn về đợt cắt giảm sản lượng lần này của OPEC.

Trong khi đó, việc Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng và bất kỳ sự tăng giá dầu nào cũng có thể làm tăng nguồn thu cho Nga. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với kênh truyền hình Rossiya-24 rằng Nga sẽ điều chỉnh mức sản xuất dầu thô xuống 9,8 triệu thùng/ngày kể từ 1-1-2024 và có tính đến mức giảm tự nguyện bổ sung 500.000 thùng/ngày đã công bố trước đó, mục tiêu cuối cùng sẽ là 9,3 triệu thùng/ngày. 


XUÂN MAI