Theo Công ty Cung cấp dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv, số vốn huy động qua sàn chứng khoán của các công ty Đông Nam Á đã tăng lên mức cao nhất 4 năm qua và ở 8,4 tỉ USD trong năm nay.

Các khoản đầu tư cổ phần tư nhân tăng vọt và đạt khoảng 8,2 tỉ USD, dù vậy vẫn thấp hơn so với con số kỷ lục 8,9 tỉ USD trong năm 2020.

Công ty Công nghệ GoTo (Indonesia) có thể dẫn đầu hoạt động huy động vốn ngắn hạn khi công ty này dự kiến huy động được 2 tỉ USD trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong khi đó, hàng chục công ty khởi nghiệp lên kế hoạch niêm yết ở thị trường khu vực hoặc Mỹ trong vòng 2 năm tới.

Hồi tháng trước, ông Jeffrey Jaensubhakij, giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý quỹ GIC (Singapore), nhận định các quốc gia đông dân như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan… đều là nơi các doanh nghiệp số hóa có thể đạt được quy mô “kỳ lân”, tức có số vốn từ 1 tỉ USD trở lên.

Công ty thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia) đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ về đợt IPO sắp tới Ảnh: REUTERS

Thị trường gọi vốn ở khu vực có đến 650 triệu dân nói trên diễn ra sôi động do Covid-19 thúc đẩy người tiêu dùng chấp nhận những nền tảng kỹ thuật số và các nhà đầu tư tìm kiếm các công ty dựa trên internet. Các quỹ toàn cầu giàu tiền mặt cũng hướng đến cơ hội này khi Trung Quốc đang siết chặt quản lý công ty công nghệ.

Theo báo cáo từ Google, công ty đầu tư Temasek (Singapore) và Bain & Company (Mỹ), nền kinh tế internet của Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 lên mức 300 tỉ USD vào năm 2025, tính từ cuối năm 2020.

Số liệu của Công ty Preqin (Anh) cho thấy tổng giá trị giao dịch đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục 10 tỉ USD, cao hơn so với mức 8,2 tỉ USD trong năm 2020. Dù vậy, xu hướng này cũng gây lo ngại rằng các công ty công nghệ đang được định giá quá cao.


Xuân Mai

Chia sẻ