Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 14-3 ký ban hành lệnh cấm xuất khẩu đường trắng và đường thô đến ngày 31-8, bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và bắp sang các nước láng giềng thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu đến ngày 30-6.

Dù vậy, Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko tuyên bố Nga sẽ tiếp tục cấp giấy phép xuất khẩu ngũ cốc cho các thương nhân trong hạn ngạch hiện hành của quốc gia này.

Những động thái trên được triển khai “nhằm bảo vệ thị trường thực phẩm nội địa trước những hạn chế từ bên ngoài”, chính phủ Nga khẳng định.

Xuất khẩu lúa mì Nga đã giảm 45% kể từ khi mùa tiếp thị hiện tại (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) bắt đầu vì những vấn đề liên quan đến vụ mùa, thuế xuất khẩu ngũ cốc và hạn ngạch ngũ cốc xuất khẩu – vốn được đặt ở mức 11 triệu tấn, bao gồm 8 triệu tấn lúa mì, cho giai đoạn từ ngày 15-2 đến ngày 30-6.

Nga vẫn còn 6-6,5 triệu tấn lúa mì để xuất khẩu cho đến ngày 30-6, Giám đốc tổ chức tư vấn nông nghiệp IKAR (Nga) Dmitry Rylko cho biết.

Nga ngày 14-3 công bố lệnh tạm ngừng xuất khẩu ngũ cốc đến các nước Liên Xô cũ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 14-3 khẳng định thế giới phải hành động để ngăn khủng hoảng lương thực từ xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Guterres, cuộc chiến ở Ukraine có thể tác động nghiêm trọng đến hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu, gây ra hậu quả nặng nề đối với những quốc gia nghèo khó, những quốc gia chưa thể phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19 giữa lúc lạm phát chạm mức cao kỷ lục, lãi suất gia tăng và gánh nặng nợ nần chồng chất.

Ông Guterres cảnh báo chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của LHQ đang ở mức cao chưa từng thấy, đồng thời cho biết 45 quốc gia nghèo nhất thế giới nhập khẩu ít nhất một phần ba lúa mì của họ từ Nga hoặc Ukraine.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres. Ảnh: Reuters


Cao Lực