Phát biểu tại cuộc họp báo toàn cầu tối 26-4, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết WHO rất phấn khởi trước sự sụt giảm liên tục về số ca tử vong do COVID-19, với mức giảm lên tới 95% so với đầu năm nay. Tuy vậy, vẫn có 14.000 người thiệt mạng vì căn bệnh này chỉ trong 4 tuần qua và cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca dẫn tới tình trạng hậu COVID-19 – đồng nghĩa với hàng triệu người cần chăm sóc dài hạn.
Ngoài ra, biến thể mới XBB.1.16 cho thấy virus vẫn đang thay đổi. Nó đã tạo nên một dòng biến chủng đáng chú ý, góp phần làm gia tăng số ca mắc ở nhiều quốc gia trong 4 tuần qua. “Loại virus này vẫn đang tồn tại và tất cả các quốc gia sẽ cần học cách kiểm soát nó cùng với các bệnh truyền nhiễm khác” – ông nhấn mạnh.
Trong tuần tới, WHO sẽ xuất bản “Chiến lược chuẩn bị và kế hoạch ứng phó” (SPRP) thứ tư dành cho đại dịch COVID-19, được thiết kế để hướng dẫn các quốc gia chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý lâu dài, bền vững với COVID-19 trong vòng 2 năm tới.
SPRP này được ban hành như một trong những bước hiện thực hóa kỳ vọng của WHO về việc chấm dứt PHEIC (tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế) COVID-19 trong năm nay.
Một phụ nữ đeo khẩu trang và cầm theo quạt tay khi đi giữa Bangkok – Thái Lan hôm 22-4, nơi đang phải hứng chịu cả sóng nhiệt và làn sóng COVID-19 mới Ảnh: REUTERS
Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang đón nhận làn sóng COVID-19 mới được thúc đẩy bởi XBB.1.16 và một số dòng XBB khác mà tiến sĩ Tedros đã nhắc đến, hầu hết đều đang chọn những biện pháp ứng phó thận trọng nhưng không gây tổn hại kinh tế.
Hôm 26-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Zaliha Mustafa cho biết bà có kế hoạch gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Fadhlina Sidek để thảo luận về việc cân nhắc tái kích hoạt quy định đeo khẩu trang trong trường học.
Quyết định sẽ được công bố trước khi các trường học mở cửa trở lại vào ngày 2-5. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Malaysia, số ca COVID-19 ở nước này đã tăng 30,4% trong 14 ngày tính đến 22-4, dự báo sẽ còn tăng sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya đang diễn ra.
Một cuộc khảo sát mới do Mordena Biotech Singapore và Liên minh tiêm chủng châu Á – Thái Bình Dương (APIC) ủy quyền thực hiện dựa trên 1.219 người Singapore cho thấy khoảng 87% tin rằng COVID-19 không gây rủi ro cao cho sức khỏe và 35% không có ý định tiêm nhắc trong tương lai.
Các bác sĩ cho rằng đây là điều đáng báo động khi đối diện với một loại virus vẫn gây nhiều rắc rối, trong bối cảnh nền kinh tế đã mở cửa và việc tự bảo vệ mình càng trở nên quan trọng. Họ khuyên người dân nên thận trọng, nhất là trong việc bảo vệ các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền.
Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh đối với du khách kể từ ngày 29-4, bao gồm việc xuất trình chứng nhận tiêm chủng hay thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên tại sân bay như hiện tại. Theo NHK, Bộ Y tế Nhật Bản đã chính thức quyết định hạ cấp tình trạng pháp lý của COVID-19 vào ngày 8-5, coi nó là dịch bệnh lưu hành như cúm.
Với quyết định này, bệnh nhân COVID-19 có thể thăm khám như các bệnh nhân khác tại 64.000 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.