Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan – Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đang đặt cược vào các ứng viên nội địa sau khi chật vật tìm kiếm nguồn cung nước ngoài.

Dù các sản phẩm địa phương nhiều khả năng không thể xuất hiện kịp thời để phục vụ chương trình tiêm phòng Covid-19 đang bị trì trệ, theo báo South China Morning Post, giới chức và các nhà khoa học xem hướng tiếp cận này là một chiến lược đầu tư dài hạn.

Có ít nhất 4 công ty dược Nhật Bản, trong đó có Daiichi Sankyo và Shionogi Pharmaceutical, đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 đối với các vắc-xin Covid-19 nội địa được phát triển dựa trên công nghệ mRNA (RNA thông tin) lẫn công nghệ truyền thống.

Tại Hàn Quốc – nơi khoảng 14% dân số đã được tiêm mũi vắc-xin thứ nhất, ít nhất 5 công ty địa phương đang tích cực phát triển vắc-xin riêng, với các sản phẩm đến từ Genexine và SK Bioscience đang được thử nghiệm giai đoạn 2.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những công ty như SK Bioscience (Hàn Quốc) đang tích cực phát triển vắc-xin Covid-19 nội địaẢnh: SK Bioscience

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các quốc gia Đông Nam Á, nơi Thái Lan, Indonesia… đang nỗ lực phát triển vắc-xin nội địa. Các nhà nghiên cứu đến từ Trường ĐH Chulalongkorn (Bangkok – Thái Lan) vừa công bố kế hoạch thử nghiệm giai đoạn 1 đối với vắc-xin mNRA ChulaCov19 ngay trong tháng này.

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Kiat Ruxrungtham, sản phẩm của họ có thể sẵn sàng để sản xuất quy mô lớn đến đầu năm 2022. “ChulaCov19 sẽ không cạnh tranh với vắc-xin Covid-19 thế hệ đầu. Với chúng tôi, điều quan trọng nhất là hướng đến sự bền vững” – ông Ruxrungtham khẳng định.

Trong khi đó, các bộ trưởng thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 5-6 tuyên bố sẽ “đẩy mạnh lưu thông và vận chuyển mọi loại vắc-xin Covid-19 cùng những hàng hóa liên quan thông qua các cảng trên đất liền, trên biển và hàng không”. 


Cao Lực

Chia sẻ