“Sau khi xem xét đơn kiện của bang Texas trình lên Tòa án Tối cao Mỹ, tôi quyết định sẽ ủng hộ đơn kiện này bằng mọi hành động pháp lý phù hợp. Tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử là một phần quan trọng đối với quốc gia của chúng ta và nó phải được đảm bảo” – Tổng chưởng lý Arkansas Leslie Rutlege thông báo tối 8-12 (giờ địa phương).

Trong một tuyên bố tương tự, Tổng chưởng lý Alabama Steve Marshall cũng đã thể hiện sự ủng hộ dành cho Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton, nói rằng “những hành động vi hiến cùng những lá phiếu gian lận ở các bang khác không chỉ ảnh hưởng đến công dân ở đó, mà còn ảnh hưởng đến công dân cả nước”.

“Mọi lá phiếu bất hợp pháp được đếm, hoặc mọi lá phiếu hợp pháp bị loại bỏ, sẽ làm suy yếu quyền tự do của công dân” – ông Marshall nhấn mạnh.

Tổng chưởng lý Alabama Steve Marshall. Ảnh: AP

Bốn bang chiến địa nêu trên tuyên bố ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Bide là người chiến thắng dựa trên lượng phiếu bỏ qua thư khổng lồ được kiểm đếm sau ngày bầu cử 3-11.

Mặc dù không ký vào đơn kiện của Texas, Tổng chưởng lý Marshall nói rằng ông hy vọng Tòa án Tối cao Mỹ sớm ra quyết định về việc liệu có xét xử vụ kiện này hay không. Theo ông Marshall, quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ “chỉ dẫn” Alabama thực hiện các bước đi tiếp theo để đảm bảo tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tổng thống.

Trước đó cùng ngày, Tổng chưởng lý Louisiana Jeff Landry cho biết bang của ông “quan ngại sâu sắc” về cách thức tổ chức bầu cử ở Georgia, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Không giống như các đơn kiện của ê-kíp tranh cử Tổng thống Donald Trump và đồng minh, đơn kiện của Texas không cáo buộc gian lận bầu cử. Thay vào đó, Texas khẳng định 4 bang chiến địa trên để xảy ra nhiều điểm bất thường trong quá trình bỏ phiếu, “điều chỉnh không phù hợp đối với luật bầu cử hợp lệ của các bang” làm ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của những người ủng hộ đảng Cộng hòa.

Ông Joe Biden được truyền thông Mỹ dự đoán đắc cử. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ