Vùng Kherson nằm ở miền Nam Ukraine nhưng được sáp nhập Nga hồi tháng 10-2022 theo sau cuộc trưng cầu ý dân tại đây. Trong khi đó, đập Nova Kakhovka được xây dựng trên sông Dnipro hồi năm 1956 và rơi vào tay lực lượng Nga không lâu sau khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Vladimir Leontyev, người được Nga bổ nhiệm làm Thị trưởng TP Vladimir Leontyev ở Kherson, cho biết đập này bị hư hại đáng kể vào rạng sáng 6-6 (giờ địa phương). Một phần của hạ tầng quan trọng này bị phá hủy do một cuộc tấn công.

Ông Leontyev gọi vụ việc là một “hành động khủng bố” và mực nước ở hạ lưu đã tăng lên nhưng hiện chưa cần sơ tán dân. Ông Leontyev nhấn mạnh giới chức địa phương đang tập trung vào việc giúp đỡ người dân và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Ảnh chụp đập Nova Kakhovka bị vỡ ngày 6-6 Ảnh: Reuters

Trong khi đó, ông Vladimir Saldo, người được Nga bổ nhiệm làm quyền Thống đốc Kherson, cho biết khoảng 22.000 người tại khu vực này có nguy cơ đối mặt tình trạng ngập lụt.

  • Đập thủy điện lớn bị tấn công, Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau

Đáp lại, nhiều quan chức cấp cao và quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng Nga đã “phá hoại” con đập. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập cuộc họp khẩn để đối phó cuộc khủng hoảng.

Theo Reuters, đập Nova Kakhovka hiện cung cấp nước cho bán đảo Crimea và Nhà máy Hạt nhân Zaporizhzhia – cả hai đều thuộc quyền kiểm soát của Nga. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình nhưng khẳng định chưa có “rủi ro an toàn hạt nhân tức thì” tại cơ sở này.

Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom (Nga) cũng nhận định vụ vỡ đập không đe dọa đến Nhà máy Hạt nhân Zaporizhzhia và tình hình đang được giám sát.

Theo đài RT, Moscow trước đó đã đổ lỗi cho Kiev về một số vụ tấn công nhằm vào đập Nova Kakhovka, đồng thời cảnh báo kịch bản đập này bị vỡ có thể khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga lên kế hoạch cho nổ tung đập này nhằm đổ lỗi cho Kiev.


Hoàng Phương