Loại vắc-xin này do các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Oxford (Anh) phát triển và đã bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng trên người với quy mô lớn.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan đánh giá vắc-xin của AstraZeneca đang là ứng viên có bước tiến xa nhất, theo sau là vắc-xin của Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ). Trong số hơn 200 vắc-xin Covid-19 tiềm năng hiện có, 15 ứng viên đang được thử nghiệm lâm sàng.

Một bệnh nhân (trái) tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Churchill ở TP Oxford – Anh hôm 24-6 Ảnh: REUTERS

Liên minh chống đại dịch Covid-19 do WHO dẫn đầu hôm 26-6 cũng kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp đóng góp 31,3 tỉ USD trong vòng 12 tháng tới để tiến hành xét nghiệm, phát triển vắc-xin phòng và thuốc trị Covid-19.

Ngoài ra, bà Zhang Li, chuyên gia của Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) lo ngại rằng nếu mỗi quốc gia vội ký kết thỏa thuận song phương với tất cả nhà sản xuất ở thời điểm này, điều khó tránh khỏi là các nước thu nhập thấp hoặc không có nguồn lực sẽ không thể được tiếp cận được vắc-xin Covid-19, nhất là những loại được tung ra thị trường đầu tiên. Mặt khác, bà Zhang cũng thừa nhận không dễ duy trì mức giá phải chăng của vắc-xin Covid-19.

Sức ép phải sớm có được vắc-xin hoặc thuốc Covid-19 càng gia tăng sau khi virus SARS-CoV-2 không ngừng lây lan trên thế giới. Bộ Y tế Ấn Độ hôm 27-6 cho biết nước này ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 500.000. Nhóm nghiên cứu do ông Bhramar Mukherjee thuộc Trường ĐH Michigan (Mỹ) dẫn đầu dự báo số ca Covid-19 tại quốc gia Nam Á này có thể tăng lên 770.000-925.000 vào ngày 15-7.

Trong khi đó, số ca Covid-19 mới hằng ngày tại Mỹ lần đầu tiên vượt cột mốc 40.000 hôm 26-6, phá kỷ lục thiết lập một ngày trước đó. Diễn biến đáng lo này buộc chính quyền một số bang hoãn kế hoạch tái mở cửa và áp đặt các biện pháp hạn chế mới để ngăn dịch bệnh thêm lây lan.


Xuân Mai

Chia sẻ