Lãnh đạo 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 – gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý) hôm 24-3 cam kết có hành động đối phó tình trạng thiếu lương thực xuất phát từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đây được xem là nỗi lo hàng đầu của nhiều nước trên thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung lương thực từ cả Moscow và Kiev.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị tại thủ đô Brussels – Bỉ, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định sẽ dùng mọi công cụ và cơ chế tài trợ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, nguy cơ gián đoạn sản xuất nông nghiệp và thương mại, nhất là tại các nước dễ bị tổn thương.

Họ cũng hứa hẹn sẽ tăng đóng góp cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc và những tổ chức quốc tế khác nhằm hỗ trợ những quốc gia đang lâm vào cảnh thiếu lương thực.

Theo trang Politico, G7 cùng với Liên minh châu Âu (EU) còn cam kết cung cấp nguồn cung lương thực “lâu dài” cho Ukraine, đồng thời giúp nông dân nước này trồng trọt và thu hoạch vụ mùa trong bối cảnh thiếu nhiên liệu và phân bón nghiêm trọng.

An ninh lương thực là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại thủ đô Brussels – Bỉ hôm 24-3Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo ở Brussels, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo thế giới sẽ trải qua tình cảnh thiếu lương thực và việc tăng sản lượng là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.

 Cũng theo Tổng thống Mỹ, ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thảo luận về việc tăng sản lượng nông nghiệp để tìm cách bù đắp thiếu hụt. Ông chủ Nhà Trắng cũng thúc giục các nước từ bỏ những rào cản thương mại có thể dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu lương thực.

Chia sẻ nỗi lo của đồng nhiệm người Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng lương thực “nghiêm trọng chưa từng có”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Macron đã trình bày chi tiết một sáng kiến do EU đứng đầu nhằm giảm nguy cơ thiếu lương thực do xung đột Nga – Ukraine gây ra.

Đài CNN cho biết sáng kiến an ninh lương thực này dựa vào các biện pháp như giải phóng kho lương thực dự trữ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng để ngăn nguy cơ thiếu nguồn cung và giá cả leo thang, không hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô nông nghiệp, tăng cường đầu tư vào nông nghiệp bền vững tại những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất…

Nhà lãnh đạo Pháp cũng kêu gọi các nước nông nghiệp tạm tăng tối đa sản lượng ngay từ mùa hè này, nếu được. Một giải pháp khác là xây dựng cơ chế phân bổ để bảo đảm tất cả các quốc gia có thể tiếp cận lương thực với số lượng đủ và giá hợp lý, đặc biệt là những nước dễ bị tổn thương nhất.

Theo tài liệu được Điện Élysée lưu hành, Nga hiện là nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới (33 triệu tấn năm 2021) trong khi Ukraine đứng thứ 4 (20 triệu tấn năm 2021). Tài liệu này cũng ước tính hơn 50% lượng lúa mì nhập khẩu của 27 nước (hầu hết ở châu Phi và Trung Đông) đến từ Nga hoặc Ukraine.

Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) gần đây cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến giá lương thực quốc tế tăng đến 20%. Cũng theo FAO, khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của Nga và Ukraine có thể khiến số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu tăng thêm từ 8 đến 13 triệu trong giai đoạn 2022-2023.

Tổ chức này cũng thúc giục các nước không nên hạn chế xuất khẩu lương thực vì điều này chỉ khiến giá cả thêm biến động cũng như có những tác động tiêu cực trong trung hạn. 


Hoàng Phương