Theo Reuters, cũng như những năm trở lại đây, phiên bản NDAA 2021 của Thượng viện Mỹ có nhiều mục nhằm vào Trung Quốc, bao gồm “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương” với gần 7 tỉ USD cho mặt trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, dự luật còn ủy quyền chi tiêu 9,1 tỉ USD để mua thêm 95 chiến đấu cơ F-35.

Dự luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm củng cố chuỗi cung ứng Mỹ, sau khi đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, dự luật cũng yêu cầu soạn thảo các báo cáo mới về rủi ro khi sử dụng công nghệ của Tập đoàn Viễn thông Huawei (Trung Quốc).

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông đang làm việc với nhiều thị trường vốn khác nhau để đáp trả dự luật an ninh quốc gia mới được Trung Quốc áp lên Hồng Kông.

Ảnh chụp tại một nhà máy của Công ty Tesla (Mỹ) ở TP Thượng Hải – Trung QuốcẢnh: REUTERS

Theo Bộ trưởng Mnuchin, trọng tâm chính trong chiến dịch đáp trả của Washington là thông qua Nhóm làm việc của tổng thống về các thị trường vốn (PWGCM) để bảo vệ giới đầu tư Mỹ khỏi các công ty Trung Quốc không tuân thủ tiêu chuẩn kế toán và quy tắc công bố thông tin của Washington.

Khi được hỏi liệu Bộ Tài chính Mỹ có đang cân nhắc các biện pháp hạn chế dòng vốn Mỹ qua thị trường Hồng Kông hay không, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định đây là một trong nhiều phương án sẽ được bàn bạc.

Những tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Hồng Kông bị Washington thu hồi “quy chế đặc biệt” với tuyên bố đặc khu không còn được hưởng đủ mức độ tự trị vì dự luật an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Bắc Kinh hôm 11-6 cáo buộc Washington hủy hoại chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu khi gia hạn sắc lệnh cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của các công ty bị chính quyền Tổng thống Donald Trump xem là “mối đe dọa an ninh quốc gia”.

“Chúng tôi muốn biết làm thế nào để Mỹ bảo đảm các biện pháp được triển khai trong khuôn khổ của sắc lệnh này sẽ không vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)” – ông Jiankai Jin, nhà ngoại giao của Trung Quốc tại WTO, khẳng định trong cuộc họp đa phương ở TP Geneva – Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông Jin không cho biết liệu Bắc Kinh có trình đơn khiếu nại chính thức hay không.

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Donald Trump gia hạn 1 năm đối với sắc lệnh được ký kết hồi tháng 5-2019 để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cấm công ty nội địa sử dụng sản phẩm của các công ty có tên trong “danh sách đen”. Theo các nhà lập pháp Mỹ, sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump “nhắm thẳng” vào 2 công ty Trung Quốc là Huawai và ZTE.


Cao Lực

Chia sẻ