Việc một sự cố có thể gieo rắc hỗn loạn từ TP Los Angeles (Mỹ) đến TP Rotterdam (Hà Lan) và TP Thượng Hải (Trung Quốc) đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của thương mại hiện đại.

Trong những thập kỷ gần đây, giới chuyên gia quản lý và các công ty tư vấn đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cái được gọi là “sản xuất vừa kịp lúc” để giảm thiểu chi phí và gia tăng lợi nhuận. Thay vì lãng phí tiền bạc vào việc tích trữ hàng hóa dự phòng trong kho bãi, các công ty hiện có thể phụ thuộc vào “sự kỳ diệu” của internet và ngành công nghiệp vận tải toàn cầu để được cung cấp sản phẩm khi cần.

Ý tưởng này đã mang lại một cuộc cách mạng đối với những ngành công nghiệp lớn, như sản xuất ôtô và thiết bị y tế, bán lẻ và dược phẩm…

Đồ họa tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez (Việt hóa: THANH LONG)

Tuy nhiên, cũng như mọi thứ trong cuộc sống, việc lạm dụng điều tốt cũng mang lại rủi ro. Sự phụ thuộc quá mức vào “sản xuất vừa kịp lúc” đã góp phần giải thích vì sao nhân viên y tế, từ Mỹ đến Ý, thiếu thốn thiết bị bảo hộ trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên. Các hệ thống chăm sóc y tế mặc định họ có thể sử dụng internet và các chuỗi cung ứng toàn cầu để thu mua hàng hóa khi cần. Điều này đã được thực tế chứng minh là một sai lầm “chết người”.

Trong nhiều năm qua, một vài chuyên gia cảnh báo rằng những lợi ích trước mắt từ ý tưởng “sản xuất vừa kịp lúc” đã che mờ phương châm quản lý thận trọng, khi khuyến khích các công ty cắt giảm chi phí tích trữ hàng hóa.

“Càng phụ thuộc lẫn nhau, chúng ta càng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố phát sinh khó lường. Chẳng ai đoán được việc một con tàu bị mắc cạn giữa kênh đào Suez, chẳng ai đoán được điểm khởi phát của đại dịch. Cũng giống như việc chúng ta không thể đoán được thời điểm xảy ra cuộc tấn công mạng hay khủng hoảng tài chính tiếp theo dù biết nó sẽ xảy ra” – chuyên gia toàn cầu hóa Ian Goldin của Trường ĐH Oxford (Anh) khẳng định với báo The New York Times.


Cao Lực

Chia sẻ