Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Suhail al Mazrouei ngày 29-3 cảnh báo chi phí năng lượng leo thang có thể làm trì trệ kinh tế toàn cầu và đẩy phần lớn thế giới vào nghèo khó.
Bộ trưởng al Mazrouei khẳng định Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) đang tích cực ổn định thị trường nhưng nỗ lực này ngày càng khó khăn, nhất là khi nguồn cung và giá cả năng lượng bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.
Cũng theo Bộ trưởng al Mazrouei, OPEC+ không chọn phe, không đánh giá các vấn đề chính trị và không thể bị ép trục xuất một số đối tác của mình vì điều này có thể khiến giá dầu leo thang trên các thị trường quốc tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh với sản lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, Nga là quốc gia đóng vai trò then chốt trên thị trường năng lượng thế giới. Nếu OPEC+ không có Nga, thế giới sẽ không có một thị trường năng lượng bền vững và liên minh này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức tồi tệ.
Công nhân làm việc tại một cơ sở xử lý khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) ở TP Barcelona – Tây Ban Nha hôm 29-3 Ảnh: REUTERS
Giá dầu mỏ và khí đốt đã tăng mạnh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hôm 24-2. Phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Moscow, trong đó có lệnh cấm vận dầu thô Nga của Mỹ.
Anh cũng đã lên kế hoạch để tiến hành bước đi tương tự trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc. Nếu bị châu Âu “cấm cửa”, dầu thô Nga khả năng cao sẽ được đưa đến thị trường châu Á, theo chuyên gia Dan Yergin của Công ty S&P Global (Mỹ).
Những quốc gia nhập khẩu dầu lớn ở châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, thời gian qua đối mặt sức ép gia tăng vì giá dầu leo thang. Ấn Độ thường nhập dầu thô từ Iraq, Ả Rập Saudi, UAE và Nigeria nhưng giới quan sát khẳng định với đài CNBC rằng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, lượng dầu Moscow bàn giao cho New Delhi đã gia tăng đáng kể.
Một ngày sau khi hạ nhiệt vì những tín hiệu lạc quan từ đàm phán Nga – Ukraine, giá dầu tăng trở lại vào ngày 30-3 vì những nỗi lo liên quan đến nguồn cung và viễn cảnh phương Tây áp lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Moscow.
Giá dầu thô Brent giao sau và giá dầu thô WTI giao sau có thời điểm cùng tăng hơn 2%, lên lần lượt 112,81 USD/thùng và 106,84 USD/thùng. Theo Reuters, trong phiên họp ngày 31-3, OPEC+ nhiều khả năng giữ nguyên kế hoạch khai thác thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi gia tăng nguồn cung từ các nước.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin ngày 30-3 tuyên bố EU có thể sẽ sớm phải thanh toán dầu, ngũ cốc, kim loại, phân bón, than và gỗ Nga bằng đồng rúp. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cùng ngày kích hoạt kế hoạch quản lý nguồn cung khí đốt với hàng loạt biện pháp, trong đó có cắt điện luân phiên nếu Nga đột ngột khóa van khí đốt tới Đức.
Thông báo của Bộ trưởng Habeck là tín hiệu mới nhất cho thấy EU đang chuẩn bị để đối phó kịch bản Nga cắt dòng chảy khí đốt sang khu vực, sau khi Điện Kremlin tuyên bố Moscow “chắc chắn sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí” và sẽ ra quyết định vào một thời điểm phù hợp nếu các nước châu Âu từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Sau vòng hòa đàm Nga – Ukraine hôm 29-3 tại TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo phái đoàn hai nước đã đạt được bước tiến quan trọng nhất kể từ khi nỗ lực đàm phán được triển khai.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cùng ngày thông báo Moscow sẽ tiến hành những bước đi nhằm hạ thang xung đột, cả về quân sự lẫn chính trị.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tuyên bố Moscow sẽ cắt giảm đáng kể hoạt động quân sự theo hướng Kiev và Chernihiv để củng cố niềm tin, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Dù vậy, Moscow nhấn mạnh tuyên bố của Thứ trưởng Fomin không đồng nghĩa “ngừng bắn”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày nhấn mạnh người dân Ukraine “không phải là những người ngây thơ” và họ chỉ tin vào kết quả cụ thể.