Ông Amal Graafstra, nhà sáng lập Công ty Dangerous Things (Mỹ) – chuyên sản xuất thiết bị cấy ghép, cho biết khi xem xét đến các ứng dụng y tế, việc kết hợp giữa các phương pháp điều trị trước đây và thiết bị thông minh theo dõi đeo trên người là điều không thể tránh khỏi.

Theo tờ The Washington Post, lĩnh vực y tế đã hướng tới việc cấy ghép loại thẻ kỹ thuật số siêu mỏng và linh hoạt, có thể được dùng cho những ứng dụng như điều khiển chân tay giả.

Công nghệ này còn có thể theo dõi cử động của bệnh nhân Parkinson, giúp các nhà thần kinh học đánh giá chi tiết hành vi thể chất của bệnh nhân trước khi thăm khám, cũng như lựa chọn liều lượng thuốc phù hợp.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Illinois (Mỹ) đã phát triển loại cảm biến điện tử có thể được cấy vào hình xăm tạm thời trên da để theo dõi và kích thích sóng não nhằm ngăn chặn các cơn động kinh.

Thiết bị cấy ghép theo dõi đường huyết của Eversense được sử dụng kết hợp với ứng dụng trên thiết bị di động Ảnh: EVERSENSE

Trong bối cảnh chi phí chăm sóc sức khỏe leo thang, thời gian nằm viện thường được rút ngắn và các nhà nghiên cứu đang khám phá tiềm năng sử dụng công nghệ theo dõi bệnh nhân điều trị ngoại trú.

Chẳng hạn như Công ty Eversense (Mỹ) đã phát triển thiết bị cấy ghép theo dõi đường huyết dành cho người trưởng thành bị đái tháo đường. Sản phẩm này được sử dụng kết hợp với ứng dụng trên thiết bị di động và có thời gian hoạt động tối đa 90 ngày, cảm biến có thể hoạt động liên tục trong 365 ngày.

Ông Hubert H. Lim, chuyên gia tại Trường ĐH Minnesota (Mỹ), nhận định công nghệ y tế cấy ghép hiện vẫn chưa phát triển mạnh do thiếu người tình nguyện tham gia nghiên cứu lâm sàng. Lợi ích của công nghệ mới này, theo ông Lim, là khá rõ ràng nên có thể thuyết phục ngày càng nhiều người sử dụng trong tương lai gần. 


Xuân Mai

Chia sẻ