Đất nước này đã giúp cộng đồng quốc tế xác định được điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ cho phép cuộc sống tiếp diễn một cách bình thường khi có đại dịch. Không chỉ có số ca tử vong cao hơn hàng ngàn ca so với những nước láng giềng có lệnh phong tỏa mà kinh tế Thụy Điển cũng hầu như không có tiến triển.
“Họ gần như chẳng đạt được điều gì. Đây là một vết thương tự tạo và họ không đạt được lợi ích kinh tế” – trích lời chuyên gia Jacob F. Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington – Mỹ.
Ngoài Thụy Điển, một số nơi khác cũng có kết quả tương tự. Tại Mỹ, nơi virus đang lây lan với tốc độ đáng báo động, rất nhiều tiểu bang đã không phong tỏa hay gỡ bỏ lệnh phong tỏa quá sớm với giả định rằng điều này sẽ thúc đẩy việc hồi sinh nền kinh tế, cho phép người dân trở lại làm việc, mua sắm và đến nhà hàng.
Người dân Thụy Điển tắm nắng và đi bơi tại cầu tàu vào ngày 25-6. Ảnh: Reuters
Cách tiếp cận này có thể được ngầm hiểu rằng chính phủ phải so sánh ưu – nhược điểm giữa việc cứu sống người dân và hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, kết quả đáng buồn của Thụy Điển, nhiều người chết hơn và thiệt hại kinh tế cũng tương đương, cho thấy việc lựa chọn giữa mạng sống của người dân và kinh tế là một sai lầm. Không áp dụng lệnh giãn cách xã hội có thể cùng lúc gây thiệt hại cả về tính mạng người dân và việc làm.
Chính phủ Thụy Điển cho phép các nhà hàng, phòng tập thể dục, cửa hàng, sân chơi và hầu hết các trường học mở cửa. Ngược lại, Đan Mạch và Na Uy lại chọn biện pháp cách ly nghiêm ngặt khi cấm tụ tập đông người và đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng.
Hơn 3 tháng sau, dịch Covid-19 khiến 5.420 người chết tại Thụy Điển. Dù con số này có vẻ ít khi so với Mỹ nhưng dân số Thụy Điển chỉ khoảng 10 triệu người. Khi tính trên 1 triệu người thì Thụy Điển có nhiều người chết hơn Mỹ 40%, gấp 12 lần Na Uy, 7 lần Phần Lan và 6 lần Đan mạch.
Việc số người chết tăng cao do cách chống dịch của Thụy Điển đã trở nên không thể chối cãi từ nhiều tuần trước. Điều khó hiểu là tại sao Thụy Điển dù đã mở cửa để kinh tế phát triển bình thường lại vẫn phải chịu cảnh thiệt hại tương đương với các nước láng giềng.
Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự đoán nền kinh tế nước này sẽ bị thu hẹp 4,5% trong năm nay trong khi trước đó họ dự kiến kinh tế sẽ tăng trưởng 1,3%. Tỉ lệ thất nghiệp nhảy vọt lên 9% trong tháng 5, tăng 1,9% so với hồi tháng 3. “Thiệt hại chung cho nền kinh tế có nghĩa là việc phục hồi sẽ bị kéo dài trong khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao” – hãng tư vấn Oxford Economics kết luận.
Thiệt hại kinh tế của Thụy Điển cũng tương đương với ở Đan Mạch, nơi ngân hàng trung ương dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 4,1% trong năm nay và tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4,1% trong tháng 3 lên 5,6% trong tháng 5.
Nói ngắn gọn, Thụy Điển có tỉ lệ tử vong cao hơn rất nhiều trong khi vẫn không thu được lợi nhuận kinh tế dự kiến vì cách chống dịch đi ngược với thế giới.