Trong báo cáo mới nhất về tổn thất chiến tranh Nga – Ukraine, Bộ Ngoại giao Ukraine còn cho biết thêm các lực lượng Nga đến giờ đã mất 48 máy bay, 80 trực thăng, 303 xe tăng, 1.036 phương tiện thiết giáp, 120 pháo và 27 hệ thống tác chiến phòng không.

Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ Scott Berrier khẳng định với các nhà lập pháp nước này rằng Nga đã mất “đâu đó từ 2.000 đến 4.000” binh sĩ kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Số liệu này đến từ một vài nguồn tình báo và các nguồn mở” – ông Berrier nói nhưng thừa nhận ông không tự tin về mức độ chính xác.

Tổn hại của quân đội Nga tại Ukraine, theo số liệu mới nhất được Bộ Ngoại giao Ukraine công bố hôm 8-3. Ảnh: Bộ Ngoại giao Ukraine

Cũng trong cuộc họp nêu trên, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines khẳng định Nga đã đánh giá thấp sức mạnh của Ukraine cũng như những thách thức quân sự liên quan đến hậu cần, kế hoạch tác chiến và tinh thần chiến đấu.

Theo bà Haines, hiện chưa rõ liệu Nga có đặt mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ Ukraine hay không và nếu có, Moscow sẽ gặp thách thức lớn trong việc duy trì kiểm soát quốc gia này.

Tổng thống Vladimir Putin không lường trước được tác động của lệnh trừng phạt phương Tây hay làn sóng rút khỏi Nga của lĩnh vực tư nhân, bà Haines nói thêm.

“Tuy nhiên, các nhà phân tích của chúng tôi đánh giá rằng Tổng thống Putin sẽ không nhụt chí trước những thách thức này. Thay vào đó, ông có thể leo thang chiến sự để giải trừ quân bị Ukraine, đảm bảo Ukraine ở trạng thái trung lập để ngăn quốc gia này hội nhập sâu hơn với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” – bà Haines cảnh báo.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines khẳng định Nga đánh giá thấp sức mạnh của Ukraine. Ảnh: Reuters

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24-2, khoảng 2 triệu người đã chạy khỏi Ukraine để xin tị nạn tại các nước láng giềng. Mỹ và đồng minh nhanh chóng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào kinh tế, chính phủ cũng như giới tinh hoa Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-3 công bố lệnh trừng phạt mới nhất nhằm cấm nhập khẩu dầu và khí đốt Nga. Không giống như nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ – nhà sản xuất dầu lớn – không phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng nội địa.


Cao Lực