Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC, tức quốc hội) hôm 30-6 chính thức thông qua Luật An ninh quốc gia Hồng Kông. Có hiệu lực từ ngày 1-7, bộ luật nghiêm cấm mọi hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với lực lượng nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia, với mức án tối đa lên đến tù chung thân cho những cá nhân vi phạm. Theo Reuters, bộ luật là bước ngoặt của Hồng Kông, tạo tiền đề cho những thay đổi cơ bản nhất đối với cuộc sống của người dân đặc khu kể từ khi nó được trao trả lại cho Trung Quốc 23 năm về trước.

Trong khuôn khổ của bộ luật mới, theo hãng tin AP, Bắc Kinh sẽ thành lập một văn phòng an ninh quốc gia ở Hồng Kông để thu thập và phân tích thông tin tình báo, cũng như để giải quyết những vụ án hình sự liên quan đến an ninh quốc gia.

Giới chức ở Trung Quốc và Hồng Kông từng nhiều lần khẳng định bộ luật nêu trên chỉ nhằm vào một số “đối tượng gây rối”, sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi và tự do, cũng như lợi ích của giới đầu tư.

Dù vậy, bộ luật có thể sớm gặp phải trở ngại khi giới hoạt động và chính trị gia ủng hộ dân chủ tuyên bố sẽ bất tuân lệnh cấm của cảnh sát để tham gia một cuộc biểu tình vào ngày 1-7, ngày Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc thông qua luật an ninh quốc gia” – Chủ tịch Đảng Dân chủ Wu Chi-wai tuyên bố.

Cảnh sát Hồng Kông tại một trung tâm thương mại – nơi xảy ra biểu tình sau khi Trung Quốc thông qua Luật An ninh quốc gia Hồng Kông hôm 30-6 Ảnh: REUTERS

Những nhà hoạt động nổi bật ở Hồng Kông như Hoàng Chi Phong, Châu Đình và Nathan Law cũng đã thông qua mạng xã hội Facebook thông báo sẽ rút khỏi Đảng Dân chủ Demosisto. Đảng này trong một tuyên bố sau đó cho biết sẽ giải thể vì sự ra đi của những thành viên quan trọng khiến họ khó có thể tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu quá trình loại bỏ trạng thái đặc biệt của Hồng Kông vào ngày 29-6 để đối xử với đặc khu như với Trung Quốc, tạm dừng xuất khẩu quốc phòng, hạn chế quyền tiếp cận sản phẩm công nghệ cao và nhạy cảm vì những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia.

Theo báo The New York Times (Mỹ), Hồng Kông chiếm 2,2% xuất khẩu của Mỹ trong năm 2018, với các sản phẩm quốc phòng và công nghệ cao chỉ chiếm một phần nhỏ trong số này. Dù vậy, lệnh hạn chế xuất khẩu nêu trên có thể gây ra những tác động lớn đối với một số công ty đa quốc gia, bao gồm các công ty thiết bị bán dẫn. Trong khuôn khổ của lệnh hạn chế, những công ty này sẽ bị cấm gửi sản phẩm hoặc chia sẻ một số thông tin công nghệ cao với đặc khu. Nhiều công ty đa quốc gia từng chọn Hồng Kông làm địa điểm để làm ăn với Trung Quốc đã bắt đầu cân nhắc di chuyển đến những địa điểm khác, trong đó có Singapore.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trong một tuyên bố khẳng định Luật An ninh quốc gia Hồng Kông hủy hoại mức độ tự trị của đặc khu, đồng thời làm gia tăng rủi ro sản phẩm công nghệ Mỹ bị chuyển cho quân đội và các lực lượng an ninh Trung Quốc. Ông Ross cho biết thêm những động thái mạnh mẽ hơn nữa để hủy bỏ chế độ ưu đãi của Hồng Kông “đang được đánh giá”.

Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam hôm 30-6 khẳng định vùng lãnh thổ này sẽ không sợ hãi trước mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ. Theo bà Lam, Hồng Kông đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó nên các biện pháp hạn chế thương mại sẽ “chỉ gây ra chút bất tiện”. 

Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp báo ở Bắc Kinh liên quan đến Luật An ninh quốc gia Hồng Kông vào lúc 10 giờ (giờ địa phương) ngày 1-7.


Cao Lực

Chia sẻ