Theo nghiên cứu của Viện Robert Koch (RKI), tỉ lệ lây lan Covid-19 thời gian này đã giảm rõ rệt tại 16 bang của Đức. Con số chưa đến 20 ca mắc trên 100.000 dân được duy trì ở hầu hết thành phố trong nhiều ngày. Số liệu này cho thấy việc chính phủ Đức đẩy nhanh tiêm phòng Covid-19 toàn dân là biện pháp đúng đắn.

Những người chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ để được phép tham gia các hoạt động như đến quán ăn, phòng gym… Hiện có tới gần 15.000 trung tâm xét nghiệm nhanh trên nước Đức được chính phủ tài trợ, góp phần giảm tỉ lệ lây nhiễm. Hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số Covpass là giấy thông hành quan trọng để mọi người đi lại trong Liên minh châu Âu không bị hạn chế và để chuẩn bị cho mùa du lịch hè đang đến.

Gần 60% dân số Đức đã tiêm vắc-xin Covid-19 lần 1 và gần 40% đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2. Truyền thông liên tục cập nhật tiến độ tiêm phòng, tính hiệu quả an toàn và kêu gọi mọi người hãy nhanh tay đăng ký ở nơi gần nhất, bác sĩ gia đình hoặc trung tâm tiêm phòng Covid-19. Có những điểm người dân không cần phải đăng ký, từ 12 tuổi trở lên mang theo bảo hiểm y tế là được tiêm.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế Liên bang Đức, 80% người dân sẽ được tiêm vắc-xin Covid-19 đến giữa tháng 7. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas hy vọng trong tháng 8, sẽ không còn bất cứ các hạn chế nào nữa khi tất cả người dân được tiêm phòng.

Nhịp sống bình thường tại Giessen – Đức

Suốt hơn năm qua, đại dịch Covid-19 đã là một thảm họa đối với nền kinh tế Đức vì phải áp dụng các biện pháp phong tỏa trong thời gian dài. Hơn 5.000 công ty phá sản trong lúc hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng. Chính phủ gồng trên vai gánh nặng chi trả các gói cứu trợ và thất nghiệp để giúp ổn định cuộc sống cho người dân. Dù vậy, việc giải ngân, cứu trợ diễn ra rất chậm chạp. Nhiều doanh nghiệp chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

Viện Kinh tế Đức cho biết quý I/2021 chứng kiến kinh tế nước này giảm 1,8% và tỉ lệ thất nghiệp ở mức 6%. Trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trên thế giới khiến lượng đơn đặt mua hàng hóa Đức giảm mạnh. Tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng làm gián đoạn sản xuất. Các gia đình phải thắt chặt chi tiêu giữa lúc phong tỏa xã hội kéo dài, nhiều người mất việc làm và giảm thu nhập.

Nhưng chỉ đến tháng 6, khi Đức khống chế dần được đại dịch, các hoạt động mở cửa trở lại và kinh tế trở về với guồng quay vốn có. Niềm tin của các doanh nghiệp, chủ yếu là ngành công nghiệp sản xuất, đã tăng lên rất nhiều.

Trong thời gian phong tỏa, phần lớn lĩnh vực sản xuất vẫn được chính phủ duy trì. Các nhà máy, dây chuyền vẫn hoạt động, phần nào bù đắp cho lĩnh vực phải chịu nhiều thiệt thòi vì phong tỏa là dịch vụ và tư nhân. Nên ở thời điểm này, các doanh nghiệp rất lạc quan và tin tưởng triển vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển trở lại vào cuối năm 2021.

Mùa hè là mùa tiêu dùng mạnh nhất ở Đức, chỉ sau Giáng sinh. Người dân Đức đi du lịch nhiều hàng đầu thế giới. Năm nay, do tác động của dịch bệnh và kinh tế eo hẹp, nhu cầu du lịch có phần chững lại, kéo theo các nhu cầu tiêu dùng khác sụt giảm. Tuy vậy, tình hình hiện khởi sắc hơn rất nhiều.

Có thể tin tưởng rằng trong thời gian tới, cùng với việc duy trì các biện pháp phòng ngừa và hoàn thành tiêm chủng, kinh tế Đức sẽ trở lại là con chim đầu đàn của châu Âu và hồi sinh như vũ bão. 


Bài và ảnh: Trần Thủy (từ Giessen – Đức)

Chia sẻ