Theo AP, thông báo trên được đưa ra hôm 15-6, cho biết đó là lần đầu tiên nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp giữa mùa hè.

1,5 độ C chính là ngưỡng quan trọng mà Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 đề cập, được các quốc gia cam kết nỗ lực ngăn chặn.

Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Chương trình Copernicus (bao gồm 6 dịch vụ trong đó có Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus), cho biết điều này chỉ là tạm thời, do đó không có nghĩa chúng ta đã vi phạm giới hạn của thỏa thuận tại Paris. Sự vi phạm thật sự đòi hỏi hiện tượng kéo dài hơn nhiều, chẳng hạn vài thập kỷ thay vì vài tuần.

Người dân xuống đường kêu gọi bảo vệ hành tinh bằng việc giả vờ vờ hồi sức cấp cứu cho địa cầu bên lề Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27 ngày 16-11-2022 ở Ai Cập – Ảnh: AP

Tuy nhiên, 11 ngày vượt ngưỡng 1,5 độ C đủ cho thấy tầm quan trọng của việc các nhà khoa học phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của hành tinh. Các đợt tăng đột biến của nhiệt độ làm vượt ngưỡng 1,5 độ C thường xảy ra rất ngắn vào mùa đông hoặc mùa xuân ở Bắc bán cầu.

“Phải theo dõi tình hình, để hiểu điều này có ý nghĩa gì với mùa hè sắp tới” – bà Burgess nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Andrew Weaver từ Trường ĐH Victoria (Úc) nói: “Tôi cảm thấy như mình đang xem một vụ đắm tàu toàn cầu trong chuyển động chậm”.

  • El Nino đã trở lại

  • El Nino khuấy động mùa bão 2023

  • El Nino sẽ khiến nắng nóng kỷ lục, mưa bão dị thường hơn

Hiện tượng đặc biệt gây lo lắng vì cũng đầu tháng 6, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) vừa tuyên bố El Nino đã đến, thay thế cho La Nina trong 3 năm qua.

El Nino và La Nina là 2 “pha” nóng – lạnh của mô hình khí hậu El Nino – Dao động phương Nam (ENSO). Thế giới vẫn nóng lên bất chấp tác dụng làm mát của La Nina trong 3 năm qua, nên El Nino – với tác dụng làm nóng hành tinh – có thể gây ra một tác động kép nguy hại.

Nhà nghiên cứu Stefan Rahmstorf thuộc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) cho biết dữ liệu từ Copernicus “là một lời nhắc nhở về việc chúng ta đang ở gần giới hạn nóng lên toàn cầu 1,5 độ C như thế nào”. Theo ông, vợt giới hạn đó sẽ đem lại rủi ro lớn đối với nhân loại cũng như sự bất ổn khí hậu và tổn thất hệ sinh thái.

Trước đó nhiều nhà khoa học đã cảnh báo vượt ngưỡng 1,5 độ C có thể đem tới cái gọi là “hỗn loạn khí hậu”, với những đợt thời tiết khắc nghiệt không còn tuân theo quy luật của các mùa, khó lòng dự đoán trước và dẫn đến nhiều thảm họa sinh thái.


Anh Thư