Theo đó, vào những ngày lẻ, đàn ông có thể ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm còn những ngày chẵn thì đến lượt phụ nữ.

Biện pháp này được đưa ra khi các thành phố trên khắp châu Mỹ Latinh đang tìm cách ngăn mọi người ra đường bất chấp các quy định cách ly đã được triển khai trong nhiều tuần ở hầu hết các quốc gia.

Colombia chiếm khoảng 3.000 ca nhiễm trong số hơn 60.000 ca nhiễm ở châu Mỹ Latinh nhưng hầu hết chúng lại được ghi nhận ở Bogotá.

Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu bắt giữ những người vi phạm lệnh cách ly. Những nước khác thiết lập quy định giới nghiêm trong khi thủ đô Colombia đang cố chia tách người dân theo giới tính.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ đối với những người làm việc trong các ngành công nghiệp quan trọng, như dịch vụ thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cùng một số miễn trừ khác dành cho các trường hợp đặc biệt.

Colombia chiếm khoảng 3.000 ca nhiễm trong số hơn 60.000 ca nhiễm ở châu Mỹ Latinh. Ảnh: New York Times

Người dắt chó đi bộ ở bất kỳ giới tính nào cũng có thể được ra ngoài trong 20 phút. Trong khi đó, bất cứ ai bị bắt vì vi phạm quy định cách ly đều bị phạt 240 USD, tương đương mức lương tối thiểu hàng tháng ở Colombia.

Thị trưởng Bogotá, bà Claudia López, người phụ nữ đầu tiên và là cá nhân đồng tính công khai đầu tiên lãnh đạo thành phố, cho biết những người chuyển giới có thể theo giới tính mà họ chọn.

Thủ đô Bogotá – Colombia trong tuần này đã triển khai biện pháp phòng chống dịch theo giới tính. Ảnh: EFE

Trong hai ngày đầu tiên thực thi biện pháp, cảnh sát đã xử phạt 104 phụ nữ và 610 đàn ông vi phạm. Những người vi phạm phải trả một nửa tiền phạt trong vòng 5 ngày hoặc đối mặt với khả năng ra tòa.

Peru cũng đã ban hành một biện pháp tương tự nhưng Tổng thống Martín Vizcarra hủy bỏ quy định sau những chỉ trích cho rằng nó sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử với người chuyển giới.

Trong diễn biến khác liên quan dịch Covid-19, Mỹ hôm16-4 yêu cầu Trung Quốc xem xét lại các quy tắc kiểm soát chất lượng xuất khẩu mới đối với các thiết bị bảo vệ y tế cần thiết trong cuộc chiến chống dịch để việc cung cấp các mặt hàng này kịp thời.

Trung Quốc trước đó đã siết các hạn chế xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác (PPE) vào cuối tuần trước, quy định các mặt hàng này phải chịu sự kiểm tra bắt buộc của hải quan.

Động thái này của Trung Quốc nhằm cân bằng nhu cầu nội địa và thế giới về PPE trong bối cảnh nước này đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm mới, cũng như để đảm bảo các nhà sản xuất và bán hàng không bán ra hàng kém chất lượng.

Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp y tế được sản xuất tại Trung Quốc và là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.


Xuân Mai (Theo New York Times, Reuters)