Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình cho biết: “Hai bên đã đạt tiến triển và thỏa thuận trong một số vấn đề cụ thể”.
Theo đài CNN, nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng thông qua chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken sẽ đóng góp nhiều hơn vào việc ổn định quan hệ Mỹ – Trung, đồng thời cho rằng sự tương tác giữa hai nước nên dựa trên sự chân thành và tôn trọng lẫn nhau.
Hãng tin AP nhận định cuộc gặp kéo dài 35 phút nói trên có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden vào cuối năm nay.
Trước đó cùng ngày, ông Blinken đã gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại thủ đô Bắc Kinh hôm 19-6 Ảnh: Reuters
Tại cuộc gặp kéo dài khoảng 3 giờ này, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị đánh giá quan hệ hai nước đang ở “thời điểm quan trọng” và ngoại trưởng Mỹ cần lựa chọn giữa đối thoại hoặc đối đầu, hợp tác hoặc xung đột.
Quan chức này cũng mô tả mối quan hệ hai bên đang ở mức thấp, đồng thời cho rằng nguyên nhân sâu xa là nhận thức sai lầm của Mỹ về Trung Quốc. Trong khi đó, ông Blinken nhấn mạnh việc duy trì các kênh liên lạc mở là cần thiết để bảo đảm cạnh tranh không dẫn đến xung đột.
Trước đó một ngày, ông Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 7 giờ 30 phút. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại cuộc gặp “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” này, ông Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm nguy cơ hiểu nhầm và tính toán sai lầm.
Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như khuyến khích thêm nhiều hoạt động trao đổi nhân dân.
Ông Blinken là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng tháng 1-2021. Ông cũng là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh trong 5 năm qua. Chuyến thăm này dự kiến mở đường cho một loạt chuyến thăm qua lại của giới chức Mỹ và Trung Quốc thời gian tới.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Quỹ German Marshall của Mỹ, nhận định dù chuyến thăm của ông Blinken chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng dường như đã diễn ra tốt hơn so với những dự báo tương đối bi quan trước đó.
Theo chuyên gia này, dù không có cơ hội đạt đột phá, người ta vẫn hy vọng vào những bước tiến nhỏ để hướng tới một thỏa thuận mới trong mối quan hệ giữa hai nước.