Ngày 27-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh, cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm trở thành dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động thăm hỏi, trao quà hỗ trợ con em gia đình có người hy sinh trong vụ nhóm đối tượng sử dụng vũ khí tấn công trụ sở 2 xã ở Đắk Lắk..Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng và Nhà nước, nhân dân ta về công tác thương binh, liệt sĩ. Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi lại sự hy sinh anh dũng của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ đói rét…

Năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành. Pháp lệnh này sau đó lần lượt được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Ngày 19-7-2017, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) – có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, đáp ứng được những yêu cầu và nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội.

Những năm qua, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công luôn được điều chỉnh, gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, qua đó góp phần từng bước cải thiện đời sống của người có công. Phong trào tặng sổ tiết kiệm, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… luôn được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng.

Quan tâm hơn nữa đến các đối tượng và gia đình có công với cách mạng là góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng là cách để xây dựng Đảng vững mạnh trong lòng nhân dân.


Minh Khôi (TP HCM)