Những nhà lập pháp Ý đã thông qua một cách nhất trí khoản tiền 10,5 triệu đô la Mỹ để xây dựng Bảo tàng Holocaust lâu bị trì hoãn tại Rome, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thực hiện sau khi những công dân Israel bị lính Hamas giết chết trong những cuộc tấn công được coi là chết chóc nhất đối với người Do Thái kể từ Holocaust.
Biện pháp này bao gồm 10,5 triệu đô la Mỹ cho việc xây dựng triển lãm trong ba năm, và 50.000 euro mỗi năm cho hoạt động thiết lập bảo tàng, một dự án được đề xuất lần đầu gần 20 năm trước.
Nhắc lại vụ hành quyết một người sống sót Holocaust người Israel trong các cuộc tấn công ngày 7/10 tại Israel, nhà lập pháp Paolo Formentini từ đảng cánh hữu Liên minh nói với hội nghị rằng: “Chúng ta nghĩ rằng những sự kiện như vậy chỉ là ký ức bi thảm. Thay vào đó, đó là một vấn đề cổ xưa xuất hiện trở lại như một cơn ác mộng.”
Dự án Bảo tàng Holocaust đã được hồi sinh vào mùa xuân năm ngoái bởi chính phủ do Giorgia Meloni lãnh đạo của đảng cực hữu. Nó bị bỏ qua trong nhiều năm do những trở ngại hành chính nhưng cũng có thể là sự miễn cưỡng trong việc kiểm tra vai trò của chế độ phát xít Ý như một thủ phạm của Holocaust.
Chủ tịch của quỹ được thành lập từ 16 năm trước để giám sát dự án, Mario Venezia, nói rằng vai trò của Italy trong Holocaust, bao gồm luật phân biệt chủng tộc của chế độ phát xít loại trừ người Do Thái khỏi đời sống công cộng, phải là trung tâm của bảo tàng mới. Những luật lệ chủng tộc năm 1938 được xem là quan trọng để chuẩn bị cho Holocaust của phát xít Đức trong đó 6 triệu người Do Thái bị sát hại.
Trong số 44.500 người Do Thái của Italy, 7.680 người bị chết trong Holocaust, theo Bảo tàng Yad Vashem ở Jerusalem. Nhiều người bị SS Đức bắt giữ bằng thông tin cung cấp bởi chế độ phát xít Italy và theo các nhà sử học, thậm chí bởi người dân Italy bình thường.
“Sự phủ nhận luôn là một phần trong lịch sử Thế chiến II, dưới nhiều hình thức tinh vi, từ sự im lặng đồng lõa cho đến việc phủ nhận sự thật,” theo nhà lập pháp Đảng Dân chủ Nicola Zingaretti, mẹ ông là người Do Thái thoát khỏi vụ bắt giữ người Do Thái Roma ngày 16/10/1943; bà cố của ông không may mắn và bị chết trong trại tử thần của phát xít Đức.
“Bảo tàng Rome do đó sẽ quan trọng như một người bảo vệ chính thức và cảnh giác của ký ức,” theo lời Zingaretti nói với hội nghị trước khi bỏ phiếu.
Thành phố Rome đã xác định một phần của Villa Torlonia, nơi cư trú của nhà độc tài phát xít Ý Benito Mussolini từ 1925-43, là địa điểm cho bảo tàng, nhưng chi tiết vẫn đang được hoàn thiện, theo Venezia nói.