Ở những cơ quan, đơn vị này, vai trò giám sát của các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, thanh tra nhân dân, hay hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng cũng mờ nhạt.
Bởi vậy, một số tổ chức Đảng nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; nhiều đảng viên được biểu dương cho đến khi… có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng bị phát hiện.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề về giải pháp lan tỏa thông tin tích cực, do Đảng bộ Báo Người Lao Động tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thực tế đó có thể dẫn tới tình trạng cán bộ, công chức, đảng viên làm việc cầm chừng, việc khó thì đùn đẩy, tìm cách tránh né nhiệm vụ phức tạp… Cũng ít ai dám lên tiếng, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Người ta ngại phê bình vì sợ mất lòng, sợ bị trù dập và đáng ngại nhất là vì không đi đến kết quả tích cực đáng kể. Có trường hợp tỏ ra thẳng thắn phê bình thì lại “dập” nhau không thương tiếc vì động cơ cá nhân. Nhiều người biết rằng mình nên đấu tranh nhưng không đủ can đảm, không đủ điều kiện, không đủ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cộng đồng, đồng nghiệp, đồng chí nên ngại thực hiện hoặc thực hiện một cách yếu ớt.
Từ đó, nhiều người sinh ra “bệnh cầu an”. “Bệnh cầu an” đang tồn tại một cách đáng sợ.
Đáng nói là ngay cả trong một số cơ sở tổ chức Đảng vẫn tồn tại tình trạng gọi nhau là đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp nhưng chưa đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Ở những cơ sở Đảng như thế, không thể có chuyện thực sự trong sạch, vững mạnh.
Để ngăn chặn và chống lại “bệnh cầu an”, cần có chế tài nghiêm khắc, mạnh mẽ đối với những biểu hiện tiêu cực, sai phạm. Trong xã hội, những sai phạm, tiêu cực phải bị xử lý, trừng trị bằng luật pháp, một cách nghiêm minh, kiên quyết và công bằng. Trong Đảng, các vi phạm phải được xử lý một cách minh bạch, mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, cổ vũ cái tốt, cái tích cực, cái mới; đồng thời lên án, đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, trì trệ. Phải thể hiện nhiều cách để mọi người phân biệt sai trái rõ ràng chứ không để trắng đen lẫn lộn, khiến nhiều người mất cảnh giác với cái xấu, mất lòng tin với cái tốt.
Ngoài ra, phải phát huy cao độ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc đấu tranh chống những biểu hiện sai trái ngay từ trong nội bộ Đảng. Cán bộ, đảng viên phải là nòng cốt, là “thành trì” bảo vệ cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu.