Đến tháng 6, lạm phát có chiều hướng tăng trở lại, chủ yếu ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, người dân Đức nói chung và người Việt đang định cư tại đây nói riêng đều đã biết cách chi tiêu hợp lý trong lúc giá cả bấp bênh để cùng chính phủ vượt qua khó khăn.

Chị Nga, đang sống tại bang Hessen, cho biết chồng chị làm công nhân, lương khoảng 1.800 euro/tháng. Chị đi phụ quán ăn được 1.200 euro, thêm khoản tiền nhà nước hỗ trợ hai con chị 500 euro, tổng cộng cả nhà thu nhập 3.500 euro/tháng. 

Khi giá cả bình thường, gia đình chị sống tạm ổn, dư ra chút ít để đi du lịch và dự phòng. Nhưng gần một năm nay, mọi thứ tăng giá chóng mặt, nhà chị làm đến đâu hết đến đó. 

Chị phải co kéo khéo léo, dặn dò từng người sử dụng lò sưởi và điện sinh hoạt vừa phải, chịu khó săn đồ hạ giá, chờ đi chợ vào khoảng thời gian cuối ngày khi các siêu thị thực phẩm giảm giá mạnh các loại rau củ quả…

Rau quả giảm giá vào buổi chiều tại một siêu thị ở Đức

Chọn hướng xử lý khác nhưng cũng chủ động, lạc quan là trường hợp của anh Toàn, chủ một quán ăn nhỏ ở thủ đô Berlin. 

Anh tâm sự từ chỗ buôn bán tốt, có của ăn của để, quán của anh bán chậm hẳn do dịch COVID-19. Đang dần dà hồi phục hậu đại dịch lại gặp ngay lạm phát, giá nguyên liệu đầu vào tăng phát hoảng. Anh buộc phải tăng giá bán, lượng khách hàng vì thế mà giảm rõ rệt, nhất là đang mùa hè nóng nực, người Đức thích tụ tập ra vườn uống bia và nướng thịt hơn là ăn hàng quán. Doanh thu quán may ra chỉ đủ bù chi phí. 

Anh Toàn liền quyết định… đóng cửa 3 tuần, đưa cả nhà về Việt Nam chơi. “Sang thu trời mát, chắc chắn lại bán được thôi” – anh bày tỏ niềm tin vào sự lèo lái của chính phủ.

  • Linh hoạt trong bão giá

  • Vườn rau Việt giữa trời Âu

  • Những cô gái Việt bên rặng núi tuyết Pakistan

  • Vượt “sóng dữ” COVID-19 ở Dubai

Chính những quyết sách giúp bình ổn cuộc sống cho người dân đã đem lại uy tín cho chính phủ Đức. 

Ứng phó với việc thiếu nhiên liệu, chính phủ đã lên kế hoạch chi hàng tỉ USD xây dựng 5 nhà ga nhập khí tự nhiên hóa lỏng theo đường tàu biển, song song đó là tăng cường nhập khẩu và mở rộng các nhà máy năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, thủy điện, mở lại các nhà máy năng lượng hạt nhân… 

Đối mặt lạm phát tăng cao, chính phủ tung ra nhiều gói hỗ trợ về thuế, trợ cấp cùng những biện pháp bổ sung thiết thực, chẳng hạn áp giá trần năng lượng, giúp giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Từ tháng 1-2023 đến tháng 4-2024, giá gas tối đa là 12 cent/KWh, còn giá điện trần ở mức 40 cent/KWh cho 80% sản lượng điện tiêu thụ (tính theo mức tiêu thụ của năm ngoái).

Sau thành công của chương trình giá vé giao thông 9 euro/tháng từ hè 2022, năm nay nhà nước tung ra giá vé 49 euro/tháng nhằm khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng, tiết kiệm nhiên liệu. 

Ngoài ra, chính phủ còn phê duyệt gói hỗ trợ tự nguyện do chủ doanh nghiệp thỏa thuận để bình ổn lạm phát, lên đến 3.000 euro dành cho người lao động (IAP); hỗ trợ tiền cho học sinh học nghề, sinh viên, tăng tiền hỗ trợ trẻ em; tăng ngưỡng miễn thuế thu nhập; giảm thuế nhiên liệu…

Theo tính toán, khoảng 16% dân số Đức sống dưới ngưỡng nghèo gặp khó khăn hơn cả. Chính phủ đã kết hợp cùng các siêu thị tổ chức hơn 1.000 điểm bán và phân phát thực phẩm giá rẻ.


Bài và ảnh: Trần Thủy (từ Giessen – Đức)