Ngày 20-7, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Còn nhiều tiềm năng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Thủ tướng Anwar Ibrahim và Đoàn Đại biểu cấp cao Malaysia thăm chính thức Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam và Malaysia là hai nước láng giềng thân thiết ở Đông Nam Á, cùng là thành viên ASEAN, chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, có nhiều sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống, học tập ở Malaysia.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng quan hệ hai nước còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất trí với những đề nghị hợp tác mà Thủ tướng Anwar Ibrahim đề xuất, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm về lãnh đạo đất nước, quản lý phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Việt Nam, trong đó có quan hệ đảng, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo và phát triển, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh và trong những lĩnh vực mới như kinh tế số, an ninh mạng, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anwar Ibrahim bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt sau khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược năm 2015.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anwar Ibrahim chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia Ảnh: VGP
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nghị viện; xem xét xây dựng cơ chế hai Thủ tướng gặp gỡ, trao đổi thường xuyên hoặc định kỳ dưới các hình thức linh hoạt tại các diễn đàn đa phương; sớm thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác chuyên ngành đã ký kết.
Tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu
Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỉ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng hai bên có tiềm năng và thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nguồn gạo ổn định và lâu dài cho Malaysia, đồng thời đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal và sớm ký văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thúc đẩy ký kết các văn kiện liên quan; trao đổi về thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, đào tạo; thiết lập cơ chế hợp tác giữa lực lượng Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển hai nước; phối hợp phòng chống khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường phối hợp đấu tranh với các tổ chức khủng bố, phản động; nhấn mạnh không cho phép bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác biển và đại dương; xem xét việc thành lập cơ chế tham vấn về các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Malaysia ủng hộ tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Hai Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác; theo đó xem xét sớm ký mới các hiệp định hợp tác hàng không và du lịch; tăng cường tần suất chuyến bay; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, lao động, nông nghiệp, văn hóa, thể thao.
Hai Thủ tướng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề biển Đông; tiếp tục phối hợp trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giai đoạn tiếp theo; đóng góp tích cực để bảo đảm xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.