Mặc dù Derek Chauvin, viên cảnh sát da trắng dùng gối ghì cổ khiến ông Floyd thiệt mạng, đã bị buộc tội giết người cấp độ 3, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra từ đêm này sang đêm khác bởi “ngọn lửa phẫn nộ” không chỉ nhằm vào một vụ giết người đơn lẻ mà còn nhằm vào điều nó đại diện: hành vi tàn bạo của cảnh sát mà dường như không bị trừng phạt, theo biên tập viên Sean Collins của trang Vox.
Trên thực tế, một phân tích mới đây của nhóm Thống kê Bạo lực Cảnh sát (MPV) cho thấy trong 99% các vụ cảnh sát gây chết người trong giai đoạn 2014-2019 thì không cảnh sát nào bị buộc tội, chứ chưa nói đến việc bị kết án. Dữ liệu của MPV, được thu thập từ các cơ sở dữ liệu công và báo cáo thực thi pháp luật, cũng cho thấy số vụ cảnh sát làm chết người thay đổi mỗi năm trong giai đoạn 2013-2019 nhưng nhìn chung không giảm mạnh. Trong quãng thời gian này, số vụ cảnh sát làm chết người rơi xuống mức thấp nhất vào năm 2014, với 1.050 vụ và tăng lên mức cao nhất vào năm 2018, với 1.143 vụ.
Những con số này cho thấy bất chấp nhiều năm biểu tình, hoạt động và thậm chí là thay đổi chính sách, chẳng hạn như yêu cầu cảnh sát dùng camera hoặc sử dụng các biện pháp xuống thang căng thẳng trước khi dùng bạo lực, thực trạng này hầu như không thay đổi.
Ảnh chụp một người biểu tình với tấm bảng: “Người da màu đáng được sống” ở TP Seattle – Mỹ hôm 1-6 Ảnh: REUTERS
Nạn nhân của các vụ việc nêu trên đến từ mọi sắc tộc, không chỉ riêng người da màu. Tuy nhiên, nếu xét về tỉ lệ số vụ giết người/triệu dân, người Mỹ gốc Phi có rủi ro bị cảnh sát sát hại nhiều nhất, gấp 2 lần so với người Mỹ Latin và gấp 3 lần so với người da trắng. Trong những vụ đụng độ chết người với cảnh sát, tỉ lệ người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát hạ thủ khi không mang vũ khí cao hơn khoảng 1,4 lần so với người Mỹ da trắng và khoảng 1,2 lần so với người Mỹ Latin. Sự khác biệt này cao đến mức ở 8 thành phố của Mỹ, trong đó có Reno, Oklahoma City và Scottsdale, tỉ lệ cảnh sát giết người Mỹ gốc Phi còn cao hơn cả tỉ lệ giết người ở Mỹ!
Đây chính là thực trạng mà đám đông đang biểu tình phản đối. Trong những năm gần đây, nhiều cuộc biểu tình phản đối cảnh sát giết người da màu đã nổ ra, trong đó có những cuộc biểu tình diễn ra suốt nhiều tuần, chẳng hạn làn sóng biểu tình ở St. Louis hồi 2017 liên quan đến cái chết của Anthony Lamar Smith.
Song song với các cuộc biểu tình này là nhiều sáng kiến vận động và hoạt động giám sát. Theo một số nghiên cứu, chúng giúp giảm số vụ cảnh sát giết người nhưng chưa đủ. Điều này đã được chứng minh trong phân tích của MPV, cũng như trong những nghiên cứu khác, bao gồm nghiên cứu của Trường ĐH Michigan, Trường ĐH Rutgers và Trường ĐH Washington tại St.Louis (Mỹ).
Nếu các cuộc biểu tình trong quá khứ không thể thay đổi thực trạng đáng buồn nêu trên, hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc biểu tình ở thời điểm hiện tại có thể hay không. “Chúng ta đang trong một khoảnh khắc lịch sử khi tình hình đã diễn biến tồi tệ hơn. Dù vậy, mọi người đang làm rất rõ ràng rằng đã đến lúc thay đổi” – nhà vận động người Mỹ Rachel Jackson khẳng định, đồng thời nhấn mạnh cái chết của ông Floyd chính là “giọt nước tràn ly”.
Theo giới quan sát, cái chết của ông Floyd diễn ra vào một thời điểm vốn đã căng thẳng vì đại dịch Covid-19, khi nhiều người bị mắc kẹt trong chính căn nhà của mình, mất việc làm và không biết liệu trong thời gian tới họ có thể kiếm sống được hay không.