Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc hôm 30-6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng từ 48,8 trong tháng 5 lên mức 49 trong tháng 6. PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

 Trong khi đó, PMI phi sản xuất tháng 6 là 53,2. Con số này giảm so với tháng trước đó là 54,5, qua đó cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ và xây dựng chậm lại.

Dữ liệu mới nhất chỉ ra đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại. Theo Reuters, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I/2023 nhờ tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không thể duy trì đà tăng trưởng tương tự trong quý II/2023.

Công nhân phân loại trứng tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tây – Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Công ty Pinpoint Asset Management (Hồng Kông), nhận định: “Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Điều này có thể sẽ gây thêm áp lực lên nhu cầu bên ngoài trong những tháng tới”.

Chuyên gia này nói thêm mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc trong năm nay là khá khiêm tốn và hiện chưa rõ liệu dữ liệu kinh tế kém lạc quan nói trên có thúc đẩy Bắc Kinh sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế hay không.

  • Khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng nhanh

  • Mỹ – Trung cạnh tranh về AI

Các chỉ số PMI cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.

Ông Bruce Pang, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Công ty Dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle (Trung Quốc), nhận định tình trạng này cho thấy cần nhanh chóng đưa ra các biện pháp chính sách mạnh mẽ hơn để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng mỗi năm.

Chính phủ Trung Quốc gần đây cam kết thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững một cách kịp thời. Một số nguồn tin nói với Reuters rằng Trung Quốc sẽ tung ra thêm biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Hồi đầu tháng 6, Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. 


Xuân Mai