Ông Lý Huy, đặc phái viên về các vấn đề châu Âu của Trung Quốc, vừa dự đối thoại hòa bình Ukraine diễn ra tại TP Jeddah thuộc Ả Rập Saudi ngày 5 và 6-8.
Cuộc đối thoại này có sự tham gia của khoảng 40 quốc gia. Đáng chú ý, ngoài Trung Quốc còn có Brazil, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Mexico, Zambia, Ai Cập, Anh, Ba Lan và Liên minh châu Âu nhưng không có Nga.
Đây là cách tiếp cận khác của Bắc Kinh về vấn đề tìm giải pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đội Moscow – Kiev đã kéo dài 529 ngày. Thực tế, Trung Quốc đã không tham dự đối thoại hoà bình Ukraine được tổ chức tại Copenhagen – Đan Mạch hồi cuối tháng 6 vừa qua. Quốc gia thuộc thành viên NATO này có mời nhưng Trung Quốc không dự.
Trung Quốc cho tới nay vẫn không lên án Nga về cuộc xung đột với Ukraine và họ đã đề xuất kế hoạch hoà bình 12 điểm. Họ cũng chỉ trích phương Tây không ngừng bơm vũ khí cho Ukraine khiến cuộc xung đột kéo dài.
Đặc phái viên Lý Huy được Trung Quốc cử tham dự đối thoại hoà bình Ukraine được tổ chức tại Ả Rập Saudi ngày 5 và 6-8. Ảnh: Reuters
Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh dường như đang phải đối mặt với một số khó khăn khi xung đột Nga – Ukraine kéo dài và các động thái “ăn miếng trả miếng” ở biển Đen ảnh hưởng tới vấn đề lương thực toàn cầu.
Phó Đặc phái viên thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Cảnh Sảng nói với Hội đồng Bảo an hôm 26-7 rằng Bắc Kinh quan ngại sâu sắc khi không thấy được khi nào cuộc xung đột sẽ kết thúc.
“Bắc Kinh đang hướng nhiều hơn đến các nỗ lực hòa bình nhưng cũng biết rằng sáng kiến hòa bình do họ đề xuất khó có thể được phương Tây chấp nhận vào thời điểm này”- Reuters dẫn nhận định của chuyên gia Yun Sun thuộc tổ chức tư vấn Stimson ở Washington – Mỹ.
Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Moscow. Họ đồng thời không muốn vắng mặt trong các cuộc đối thoại hòa bình do quốc gia không phải phương Tây tổ chức.
“Bắc Kinh đang hành động. Động thái tham dự đối thoại hoà bình quốc tế tại Ả Rập Saudi tốt cho hình ảnh của Trung Quốc và cũng giúp Bắc Kinh hiểu rõ hơn lập trường của các bên” – chuyên gia Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore quả quyết.
Còn học giả Moritz Rudolf tại Trung tâm Paul Tsai China thuộc trường luật ĐH Yale – Mỹ cho biết: “Hiện nay tình hình ngày càng trở nên phức tạp. Cuộc xung đột leo thang đang trực tiếp tác động lên những lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc”.
Ngay cả Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cũng gọi sự tham gia của Trung Quốc trong đối thoại hoà bình tại Ả Rập Saudi là một “bước đột phá đáng kể”.
Bước đi mới nhất của Bắc Kinh trên bàn cờ ngoại giao toàn cầu xuất hiện trong bối cảnh nước này có một số thay đổi nội bộ, bao gồm việc bãi nhiệm ông Tần Cương khỏi vị trí Bộ trưởng Ngoại giao mà không nêu rõ lý do. Trung Quốc mới đây cũng thay người đứng đầu Lực lượng Tên lửa của quân đội.