Dự kiến bão đổ bộ trong sáng 28-7, đi sâu vào đất liền và di chuyển về phía Bắc, ảnh hưởng lớn nhất đến các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tây, An Huy, Sơn Đông, Hà Bắc, Thiên Tân và thủ đô Bắc Kinh.
Đài Loan (Trung Quốc), Phúc Kiến và Chiết Giang đã hứng chịu mưa xối xả từ sáng 27-7, trong đó lượng mưa ở Đài Loan có thể đạt 250-400 mm ở một số khu vực. Để chuẩn bị, khu vực phía Nam Đài Loan từ hôm 27-7 đã đóng cửa các doanh nghiệp và trường học.
Hơn 100 chuyến bay trong và ngoài hòn đảo cùng tuyến phà bị hủy hoặc hoãn trong khi tuyến đường sắt nối phía Nam và phía Đông Đài Loan ngừng hoạt động. Gần 6.000 người đã được sơ tán, chủ yếu là dân cư ở vùng núi phía Nam Đài Loan. Cùng ngày, cơn bão đã làm 49.000 hộ dân ở đây tạm thời mất điện.
Thuyền đánh cá neo đậu tại cảng cá Gaoqi ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hôm 26-7. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, khoảng 20 chuyến tàu cao tốc giữa đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục đã bị đình chỉ trong ngày 28 và 29-7. Tỉnh Quảng Đông cũng đình chỉ hoặc điều chỉnh hoạt động đường sắt từ ngày 26 đến 30-7 trong khi các nhà ga gấp rút chuẩn bị bao cát, máy bơm nước… để chống lũ.
Nhiều điểm du lịch ven biển và đảo ở tỉnh Thâm Quyến tạm đóng cửa. Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết họ đã điều phối các lực lượng ứng phó ở nhiều khu vực khác nhau, với hơn 4.000 nhân viên và 5 trực thăng ở chế độ sẵn sàng.
Trước đó, bão Doksuri đã khiến 5 người thiệt mạng khi tấn công miền Bắc Philippines, gây gió giật mạnh tới 175 km/giờ và mưa xối xả suốt ngày 26-7. Các cộng đồng ven biển, bao gồm các ngôi làng biệt lập trong rừng nhiệt đới, hứng chịu lượng mưa và sức gió tồi tệ nhất.
Bão Doksuri được Cục Khí tượng Trung Quốc gọi là “siêu bão”, hoạt động với đường kính lên tới 900 km, yếu đi một chút khi đổ bộ vào Philippines nhưng dự kiến vẫn duy trì sức mạnh khi đổ bộ vào Trung Quốc.