Phép đo của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia thuộc NOAA ghi nhận nhiệt độ không khí trung bình cả ngày trên bề mặt hành tinh là 17,01 độ C, vượt qua mức kỷ lục trước đó – 16,92 độ C – được thiết lập vào ngày 24-7-2022, theo Reuters.

Một cô gái che dù, dán miếng làm mát trên đường phố Bắc Kinh – Trung Quốc giữa đợt nóng cuối tháng 6 – Ảnh: REUTERS

Nhiệt độ không khí trung bình toàn thế giới thường chỉ dao động trong khoảng 12 độ C, là con số bình quân của cả những vùng chúng ta đang sống lẫn các vùng cực rất lạnh.

Tính từ năm 1979 đến năm 2000, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 16,2 độ C vào đầu tháng 7, là tháng rất nóng của mùa hè.

  • Báo động đỏ: Nhiệt độ toàn cầu tạm vượt “mốc tử thần” 1,5 độ C

The Hill dẫn lời nhà khoa học Robert Rohde từ Trường ĐH California ở Berkeley giải thích rằng nhiệt độ cực cao này là kết quả của cả biến đổi khí hậu và kiểu thời tiết El Nino.

Kỷ lục “ngày nóng nhất” mới này có thể chưa phải là điểm dừng bởi nhiệt độ dự kiến tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 – đầu tháng 8, thời điểm giữa mùa hè.

Góp phần vào điều đó, hiện tượng El Nino, thường gây tác động làm ấm toàn cầu, được các nhà khoa học khắp thế giới dự đoán sẽ đạt cực đại vào các tháng cuối năm nay.

Ngay từ tháng 6, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã đạt mức ấm nhất mà đơn vị giám sát khí hậu Corpernicus của Liên minh châu Âu (EU) từng ghi nhận được vào đầu tháng 6.


Anh Thư