Trong động thái mới nhất, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 7-4 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ba bên với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thống tướng Min Aung Hlaing, Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, để thảo luận về cuộc khủng hoảng này.
Cuộc họp nhằm tạo điều kiện cho 3 nước trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc ứng phó tình trạng ô nhiễm nói trên, cũng như có cách tiếp cận mang tính xây dựng để giải quyết vấn đề.
Theo Thủ tướng Prayut, tất cả các bên liên quan đều nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ vì ô nhiễm khói mù đang đe dọa sức khỏe của người dân 3 nước.
TP Chiang Mai – Thái Lan bị bao phủ bởi lớp bụi mịn dày đặc vào sáng 8-4 Ảnh: CHIANG MAI NEWS
Tờ Bangkok Post hôm 8-4 đưa tin nhà lãnh đạo Thái Lan đã đề xuất “Chiến lược Bầu trời thông thoáng” và xem đây là cơ chế hiệu quả để giải quyết vấn đề nói trên. Theo chiến lược này, mỗi quốc gia cần cam kết giảm thiểu các điểm nóng gây ô nhiễm như được nêu trong Kế hoạch hành động Chiang Rai, được 5 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua vào năm 2017.
Thái Lan cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, dự kiến diễn ra tại Indonesia vào tháng tới. Ngoài ra, Thủ tướng Prayut cho rằng các quốc gia có hành động pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn nguồn gây khói mù xuyên biên giới.
Theo hãng tin Bloomberg, thủ đô Bangkok và các thành phố khác ở Thái Lan đã phải chống chọi với chất lượng không khí kém trong những năm gần đây. Đáng chú ý, ô nhiễm có xu hướng tồi tệ hơn trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 4, chủ yếu do đốt nương làm rẫy, cháy rừng và khí thải xe cộ nhiều hơn.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan Pinsak Suraswadi, chất lượng không khí tồi tệ hơn trong năm nay do sự gia tăng của số lượng điểm nóng gây ô nhiễm và điều kiện thời tiết khô hạn. Quan chức này cho biết thêm tổng số điểm nóng gây ô nhiễm ở Lào, Myanmar, Thái Lan từ ngày 1-1 đến 5-4 đã tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Y tế Thái Lan, hơn 2 triệu người bị chẩn đoán mắc các bệnh về đường hô hấp kể từ đầu năm nay. Ngoài ra, ông Prayut cảnh báo bụi mù nghiêm trọng còn đe dọa đến ngành du lịch cũng như doanh thu của lĩnh vực mũi nhọn này.
Thành phố du lịch “trúng đòn”
Chính quyền tỉnh Chiang Mai – Thái Lan đang kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài và làm việc ở nhà để bảo vệ sức khỏe và tránh ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo truyền thông Thái Lan, lĩnh vực công và tư nhân ở tỉnh này được yêu cầu cho phép nhân viên làm việc ở nhà, miễn là điều này không ảnh hưởng đến công việc.
Khói từ các vụ cháy rừng và việc đốt nương làm rẫy đang bao trùm địa phương này trong những tuần gần đây. Vụ cháy rừng mới nhất xảy ra ở tỉnh Chiang Rai, phía Đông Bắc tỉnh Chiang Mai, từ hôm 6-4, ảnh hưởng đến khoảng 96 ha rừng.
Theo đài CNN, Chiang Mai, thủ phủ của tỉnh cùng tên, gần đây bị Công ty Air Quality Index (Thụy Sĩ) đánh giá là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong nhiều ngày liên tiếp. Bệnh viện Maharaj Nakorn cho biết hơn 12.000 người tại đây đã tìm đến thăm khám các vấn đề về hô hấp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay. Ngoài ra, ô nhiễm nghiêm trọng còn khiến lượng du khách đến thành phố du lịch nổi tiếng này sụt giảm thời gian qua.
Hồi tháng 2, chính quyền thủ đô Bangkok từng cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài và làm việc tại nhà khi khói mù độc hại bao trùm nơi này. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết giải quyết ô nhiễm khói mù là ưu tiên hàng đầu của chính phủ, với nhiều cuộc họp được tiến hành hằng năm để bàn biện pháp ngăn chặn và đối phó.
Hoàng Phương