Tuyên bố trên sóng truyền hình quốc gia cuối ngày 26-7, đại tá Amadou Abdramane cùng 9 sĩ quan khác cho biết Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị lật đổ.
Đại tá Amadou Abdramane giải thích lý do dẫn đến hành động trên là tình hình an ninh ngày càng xấu đi và năng lực lãnh đạo tồi tệ. Ông Abdramane cũng nhấn mạnh đây là quyết định của lực lượng an ninh và quốc phòng Niger.
Theo hãng tin Reuters, nhóm quân nhân trên cho biết biên giới quốc gia Tây Phi này đang đóng cửa, cả nước đang trong lệnh giới nghiêm, tất cả cơ quan, tổ chức đều bị đình chỉ hoạt động.
Nhóm sĩ quan cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, đồng thời khẳng định sẽ bảo đảm an toàn cho ông Bazoum.
Đại tá Amadou Abdramane phát biểu trên truyền hình Niger cuối ngày 26-7. Ảnh: Reuters
Trước đó, các thành viên bất mãn của Lực lượng Bảo vệ Tổng thống đã phong tỏa lối vào phủ tổng thống ở thủ đô Niamey và tạm giữ ông Bazoum. Một nguồn tin của tổng thống cho biết sau khi các cuộc đàm phán thất bại, lực lượng này từ chối thả tổng thống.
Theo tờ Telegraph, các vụ nổ súng đã được ghi nhận ở thủ đô. Những người ủng hộ ông Bazoum đã cố gắng tiếp cận khu phức hợp tổng thống nhưng bị giải tán.
Tối ngày 26-7, Tổng thống Benin Patrick Talon lên đường tới Niger để làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Abuja – Nigeria trước khi lên đường sang Niger, Tổng thống Benin Talon khẳng định sẽ sử dụng mọi phương cách cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: Reuters
Mỹ, Pháp và một số nước trong khu vực yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Bazoum.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Tôi đã nói chuyện với Tổng thống Bazoum, nói rõ rằng Mỹ kiên quyết ủng hộ ông ấy với tư cách là tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger. Chúng tôi kêu gọi trả tự do cho ông ấy ngay lập tức”.
Nhà Trắng dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Washington lên án mạnh mẽ mọi nỗ lực giam giữ hoặc phá hoại hoạt động của chính phủ được bầu của Niger.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án hành động chiếm quyền bằng vũ lực và phá hoại nền dân chủ, hòa bình và ổn định. Ông kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, đảm bảo trật tự hiến pháp.
Theo Reuters, Mỹ đã chi khoảng 500 triệu USD từ năm 2012 để giúp Niger tăng cường an ninh. Hồi tháng 4, Đức tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh quân sự kéo dài 3 năm của châu Âu nhằm nâng cao năng lực cho quân đội Niger.