Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4-7 tuyên bố hạn chế xuất khẩu 2 nhóm kim loại quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.
Viện dẫn vấn đề an ninh quốc gia, quy định mới yêu cầu từ ngày 1-8, các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép xuất khẩu đối với kim loại gallium và germanium – được sử dụng để sản xuất chip, ôtô điện và thiết bị viễn thông.
Đây được xem là lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến thương mại công nghệ về quyền tiếp cận các vi mạch tiên tiến.
Các nhà xuất khẩu 2 kim loại nói trên từ Trung Quốc sẽ phải báo cáo chi tiết về bên nhập khẩu cũng như người dùng cuối và mục đích sử dụng. Bất kỳ công ty nào xuất khẩu những sản phẩm nói trên mà không có giấy phép hoặc vượt quá số lượng cho phép sẽ bị xử phạt.
Trong cuộc họp hôm 4-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhắc lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nước này phù hợp với luật pháp và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Tuy nhiên, giới phân tích thuộc Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định: “Đây là hành động trả đũa nhằm vào các quốc gia gồm Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan và cảnh báo những nước này không áp đặt thêm hạn chế đối với quyền tiếp cận công cụ và chip cao cấp của Trung Quốc”.
Nhân viên giới thiệu chip mô phỏng tại Hội chợ Thương mại công nghiệp bán dẫn ở Thượng Hải – Trung Quốc hôm 29-6 Ảnh: REUTERS
Nhóm phân tích tại Eurasia Group cũng cho rằng quy định hạn chế xuất khẩu mới của Trung Quốc có thể thúc đẩy các nhà sản xuất nước ngoài chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, tạo đà cho xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tương tự, hãng tin Bloomberg dẫn nhận định của phó giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Quốc gia Singapore Ja Ian Chong rằng Trung Quốc đang “ăn miếng trả miếng” với Mỹ và các đồng minh. Theo hãng tin Reuters, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc và cơ quan ngoại giao Đài Loan (Trung Quốc) hôm 4-7 đánh giá động thái của Trung Quốc sẽ có ít tác động trong ngắn hạn.
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal cho biết Mỹ cũng chuẩn bị hạn chế quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào dịch vụ điện toán đám mây như Amazon và Microsoft.
Mỹ đang cân nhắc yêu cầu các nhà cung cấp phải xin giấy phép trước khi cho phép công ty Trung Quốc sử dụng những nền tảng này để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngoài ra, báo chí Mỹ loan tin chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có kế hoạch siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được công bố vào tháng 10-2022 nhằm hạn chế bán một số chip AI cho Trung Quốc, với ý đồ ngăn chặn sự phát triển của Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ được xem là cốt lõi cho tương lai địa chính trị và kinh tế.
Mỹ còn vận động những quốc gia đồng minh sản xuất chip quan trọng, như Hà Lan và Nhật Bản, ban hành quy định hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Căng thẳng trên diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sắp có chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 6 đến 9-7. Bộ Tài chính Mỹ cho biết bà Yellen dự kiến thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về tầm quan trọng của việc kiểm soát mối quan hệ hai nước, trao đổi trực tiếp về lĩnh vực hai bên quan tâm và cùng giải quyết các thách thức toàn cầu.
Theo quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ hôm 2-7, bà Yellen cũng sẽ bàn về quan điểm của Mỹ đối với mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Người này cho biết Washington mong muốn hướng tới mối quan hệ “lành mạnh” với Bắc Kinh và không tìm cách chia rẽ các nền kinh tế.
Mỹ không kỳ vọng đạt được đột phá đáng kể nhưng chuyến đi này nhằm xây dựng các kênh liên lạc lâu dài với Trung Quốc. Trước chuyến thăm Bắc Kinh, bà Yellen cũng có làm việc “thẳng thắn và hiệu quả” với Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Xie Feng hôm 3-7 nhằm xoa dịu căng thẳng kinh tế giữa hai nước.
Nhắm tới Nhật – Hàn
Nhật Bản và Hàn Quốc cần tăng cường “sự tự chủ chiến lược” đối với phương Tây và hợp tác với Trung Quốc để “cùng nhau thịnh vượng, hồi sinh châu Á và làm lợi cho thế giới” – đó là nhận định của ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại một diễn đàn ba bên ở TP Thanh Đảo.
“Bất kể bạn nhuộm tóc vàng thế nào, chỉnh mũi thẳng tới đâu thì bạn cũng không thể trở thành người châu Âu hay người Mỹ. (…) Chúng ta phải biết nguồn cội của mình ở đâu” – ông Vương nói với các khách mời người Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự kiện nói trên có tên gọi Diễn đàn quốc tế về Hợp tác ba bên, được Bắc Kinh, Tokyo và Seoul phối hợp tổ chức thường niên từ năm 2011. Phát biểu tại sự kiện ngày 3-7 thông qua video còn có Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi.
Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Để đối trọng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng cường kết nối đồng minh, bao gồm 2 đồng minh quan trọng nhất của nước này ở châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo đài CNN, Mỹ – Nhật – Hàn gắn kết với nhau vì mối lo ngại chung đối với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên cũng như căng thẳng xoay quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Không đề cập trực tiếp Mỹ nhưng ông Vương cáo buộc “một số cường quốc lớn bên ngoài khu vực” khơi mào đối đầu và chia rẽ nhằm tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương: “Nếu để cho xu hướng này tiếp diễn, không chỉ tiến trình hợp tác ba bên bị ảnh hưởng mà căng thẳng và đối đầu trong khu vực cũng thêm nghiêm trọng”.
Hải Ngọc