Hải quân Mỹ hôm 4-7 thông báo 2 nhóm tác chiến tàu sân bay của họ đang tập trận trên biển Đông để cải thiện năng lực phòng không và các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa, vài ngày sau khi Trung Quốc bắt đầu đợt tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) khiến căng thẳng leo thang.
Tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đang tiến hành các chiến dịch và những cuộc tập trận trên biển Đông “để thể hiện sự ủng hộ dành cho một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do” – Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết đồng thời nhấn mạnh các cuộc tập trận hải quân mang đến sự linh hoạt và những khả năng “mà chỉ Hải quân Mỹ mới có thể thông thạo”.
Báo The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến do USS Ronald Reagan dẫn đầu, cho biết các cuộc tập trận nêu trên không phải để đáp trả đợt tập trận mới nhất của Trung Quốc – vốn bị Lầu Năm Góc chỉ trích là “làm phản tác dụng những nỗ lực xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định trong khu vực”.
Chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan hôm 4-7 Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo báo The New York Times, động thái triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường được xem là tín hiệu răn đe đối thủ. Trong khi đó, việc triển khai cùng lúc 2 nhóm được xem là hành động thể hiện sức mạnh quân sự. Vào năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó là ông Ashton B. Carter đã triển khai 2 tàu sân bay Mỹ đến biển Đông để gợi nhắc Bắc Kinh về cam kết của Washington đối với các đồng minh trong khu vực.
Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Mỹ leo thang căng thẳng thông qua các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, trong khi Mỹ và đồng minh tuyên bố hành động của họ hoàn toàn hợp pháp.
“Là một quốc gia nằm ngoài khu vực, Mỹ sử dụng cái cớ bảo đảm “tự do hàng hải” để triển khai tàu chiến và máy bay khiêu khích quân sự trên biển Hoa Đông và biển Đông” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian chỉ trích, đồng thời nhấn mạnh động thái này gây tổn hại nghiêm trọng đến “hòa bình và ổn định khu vực”.
Trong khi đó, Washington cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đe dọa các quốc gia láng giềng châu Á, những nước có thể muốn khai thác trữ lượng dầu khí trên biển Đông.
Theo báo Asian Nikkei Reivew, nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ luân chuyển hàng ngàn binh sĩ đến châu Á – Thái Bình Dương để đối phó với điều mà Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khẳng định là “thách thức địa – chính trị lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc” ở mặt trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, hàng ngàn binh sĩ đang đóng quân tại Đức dự kiến được triển khai đến các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, bang Hawaii, bang Alaska, Nhật Bản và Úc.
Nói cách khác, những ưu tiên của quân đội Mỹ giờ đây đã thay đổi. Xuyên suốt Chiến tranh lạnh, giới chiến lược quốc phòng Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải duy trì lượng lớn bộ binh ở châu Âu để đối phó với Liên Xô. Đến những năm 2000, Washington hướng phần lớn sự chú ý đến Trung Đông để chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Iraq và Afghanistan. Hiện tại, sự tập trung này đang nhằm vào Bắc Kinh.
Lượng binh sĩ Mỹ hiện diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giảm từ 184.000 trong năm 1987 còn 131.000 trong năm 2018. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thương lượng với Hàn Quốc về vấn đề hỗ trợ binh sĩ Mỹ đóng quân tại quốc gia này và sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tương tự với Nhật Bản từ mùa thu năm nay.
Mặt trận không quân và hải quân
Theo giới chuyên gia, về mặt chiến thuật, quân đội Mỹ đã hướng sự chú ý và nguồn lực đến không quân và hải quân, bởi rủi ro một cuộc tấn công bộ binh quy mô lớn ở châu Âu đã giảm. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự Mỹ – Trung, lực lượng thủy quân lục chiến cũng như hải quân và không quân sẽ đóng vai trò quan trọng, bởi chiến trường khi đó sẽ là vùng biển của biển Đông, biển Hoa Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.