Một quan chức Lầu Năm Góc cho rằng bom chùm sẽ được chuyển giao trong khung thời gian phù hợp với cuộc phản công của Ukraine. Bom, đạn chùm hiện bị hơn 100 quốc gia cấm sử dụng.
Nga, Ukraine và Mỹ chưa ký Công ước về bom, đạn chùm, bao gồm việc cấm sản xuất, tàng trữ, sử dụng và vận chuyển loại vũ khí này.
Binh sĩ Ukraine cầm một quả bom chùm. Ảnh: Reuters
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Ukraine đã có văn bản đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng những thứ này một cách rất cẩn thận để giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joe Biden mô tả quyết định chuyển giao bom chùm là khó khăn nhưng cho biết Ukraine cần chúng.
Phản ứng về động thái trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov chỉ trích việc Mỹ chuyển số vũ khí này cho Ukraine.
Theo đài RT, Đại sứ Nga cho rằng quyết định của Mỹ đưa bom chùm vào đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev là thừa nhận sự thất bại và là một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn chặn thất bại.
Ông Antonov nói rằng: “Họ không muốn thừa nhận thất bại của mình và nỗ lực thất bại của quân đội Ukraine trong cuộc phản công vào các khu vực do Nga kiểm soát.Do đó, họ thực hiện những hành động điên rồ mới”.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến thăm Cộng hòa Czech, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau cuộc hội đàm ở Bulgaria nhằm tăng cường sự ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh ngày 11 và 12-7.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tái khẳng định quan điểm của ông rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên. Theo Reuters, liên minh quân sự này đang bị chia rẽ về tiến độ Ukraine tiến tới tư cách thành viên và một số quốc gia cảnh giác trước bất kỳ bước đi nào có thể đẩy NATO đến gần hơn xung đột với Nga.
Tổng thống Biden cũng không cho rằng có sự nhất trí trong NATO về việc Ukraine gia nhập liên minh vào lúc này.