“Ấn Độ đã sẵn sàng không chỉ vượt qua Nhật Bản và Đức mà còn cả Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075” – CNBC dẫn báo cáo mới nhất của tập đoàn tài chính Mỹ Goldman Sachs.

Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Đức, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ.

Yếu tố chính để Goldman Sachs đưa ra dự đoán trên, ngoài ưu thế dân số đang phát triển còn bởi Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu về đổi mới và công nghệ, đầu tư, nhờ đó năng suất lao động tăng lên.

Hiệp hội thương mại phi chính phủ Nasscom cho biết doanh thu ngành công nghệ của Ấn Độ dự kiến tăng thêm 245 tỉ USD vào cuối năm 2023. Sự tăng trưởng đó đến từ công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh và các dòng sản phẩm phần mềm.

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy Realme ở Greater Noida – Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

“Tỉ lệ phụ thuộc của nền kinh tế Ấn Độ trong 2 thập kỷ tới sẽ ở mức thấp nhất trong khu vực” – ông Santanu Sengupta, nhà kinh tế học Ấn Độ của Goldman Sachs, nhận định.

Tỉ lệ phụ thuộc của một quốc gia được đo bằng số người phụ thuộc so với tổng dân số trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ phụ thuộc thấp cho thấy có nhiều người trong độ tuổi lao động có khả năng hỗ trợ trẻ em và người cao tuổi.

Chìa khóa để khai thác tiềm năng dân số của Ấn Độ là thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động. Chuyên gia Sengupta nhận định: “Đó thực sự là cơ hội để Ấn Độ đạt được mục tiêu thiết lập năng lực sản xuất, tiếp tục phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng”.

  • Ấn Độ trước lợi thế và thách thức từ dân số

  • Thách thức từ sớm của các hội nghị G20 do Ấn Độ tổ chức

Chính phủ Ấn Độ đã đặt ưu tiên cho việc tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Ngân sách gần đây của Ấn Độ nhằm tiếp tục các chương trình cho vay không lãi suất trong 50 năm tới ở chính quyền các bang nhằm thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tập đoàn tài chính của Mỹ cho rằng đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân Ấn Độ tăng quy mô tạo năng lực trong sản xuất và dịch vụ nhằm tạo thêm việc làm và tiếp nhận lực lượng lao động lớn.

Goldman Sachs cũng cho rằng sự phát triển của kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, không giống như nhiều nền kinh tế khác phụ thuộc vào xuất khẩu. “60% tăng trưởng ở Ấn Độ là do tiêu dùng và đầu tư trong nước” – báo cáo nhấn mạnh.

Di sản Taj Mahal của Ấn Độ được chụp lúc bình minh. Ảnh: Wolfgang Kaehler

Dự báo về sự bùng nổ của kinh tế Ấn Độ còn được đưa ra bởi hãng tư vấn tài chính S&P Global và ngân hàng Morgan Stanley. Hai doanh nghiệp đều của Mỹ này nhận định Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Dự báo GDP đến năm 2075

STT

Quốc gia

GDP (ngàn tỉ)

1

Trung Quốc

57

2

Ấn Độ

52,5

3

Mỹ

51,5

4

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)

30,3

5

Nhật Bản

7,5

(Nguồn: Nghiên cứu của Goldman Sachs)


Bằng Hưng